Quy định hiện nay một số trường hợp Nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất, nhà đầu tư phải thoả thuận giá đền bù với người dân là điều không tưởng, không thể thực hiện được. Nhiều dự án bị kéo dài, dân khiếu kiện chỉ vì “ganh tỵ” với các dự án khác về giá cả.
Vì thế có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quy định này, thay vào đó, các dự án khác vẫn do Nhà nước thu hồi, đền bù theo giá chung của Nhà nước, có chăng nhà đầu tư chỉ hỗ trợ thêm khoản tiền nào đó mà thôi. Theo tôi, riêng đất ở là đất do người dân bỏ tiền ra mua, khi bị thu hồi thì cần bồi thường theo giá thị trường, còn đất nông nghiệp là đất Nhà nước giao không cho các hộ dân, không thu tiền sử dụng đất, cấp tiền để đo đạc và cấp giấy chứng nhận... thì không thể bồi thường theo giá thị trường được.
Nhà nước cần quy định một mức giá gọi là đền bù công cải tạo đất thống nhất với đất nông nghiệp, tất nhiên có tính đến vùng đô thị, đồng bằng, miền núi. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên gọi là bồi thường mà nên dùng khái niệm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp mới chính xác.
Một khái niệm khác cũng nên thay đổi, đó là không nên đưa khái niệm đất liền kề, đất xen kẽ trong khu dân cư mà nên dựa theo mục đích sử dụng để thuận tiện cho công tác bồi thường. Thực tế ở các địa phương, có hộ hàng héc ta đất nông nghiệp liền kề đất ở mà Nhà nước cứ phải bồi thường 30-50% so với giá đất ở liền kề là bất hợp lý... Theo tôi, việc Bộ trưởng Bộ TNMT khẳng định phải tăng cường vai trò của các tổ chức tín dụng phát triển quỹ đất. Tổ chức này lĩnh trách nhiệm bồi thường, GPMB cho tất cả các dự án đã có chủ đầu tư chứ không phải chỉ có các dự án chờ nhà đầu tư như hiện nay là rất thiết thực.