Thay cho dự án bãi đậu xe ngầm trong lòng đất rất phức tạp khó triển khai, kiến trúc sư Trần Đình Bá vừa gửi tờ trình cùng đồ án thiết kế cho UBND TP.HCM hiến kế làm nhà đậu xe trên sông rạch để cấp bách giải quyết bài toán giao thông tĩnh hiện nay.
TTCT trích đăng bài viết của kiến trúc sư Trần Đình Bá, tác giả “Nhà trên đường” - giải thưởng cao nhất cuộc thi “Kiến trúc nhiệt đới với vấn đề môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả” do Hội kiến trúc sư và Viện Kiến trúc nhiệt đới tổ chức năm 2008.
Bài toán giao thông tĩnh đang trở thành vấn đề khó giải cho chính quyền thành phố cùng các tổ chức và tư nhân. Phương tiện giao thông bộ gia tăng đột biến, đặc biệt là ôtô con và xe máy. Riêng tại quận 1, TP.HCM mỗi ngày đêm có trên 7.000 xe có nhu cầu dừng đậu. Các bãi đậu xe ở tầng hầm các chung cư, khách sạn, bãi đậu xe trên các công viên, vườn hoa đã quá tải dẫn đến xe phải dừng đậu trên lòng lề đường gây ùn tắc và tai nạn giao thông cùng các vấn đề về môi trường và trật tự an toàn xã hội.
Để nhanh chóng giải quyết vấn đề này, UBND TP đã chấp thuận cho quy hoạch tám điểm để nghiên cứu xây dựng các bãi đậu xe ngầm. Vị trí mới nhất dự kiến nằm dọc đường Tôn Đức Thắng, từ đầu đường Nguyễn Huệ đến khu vực Nhà máy Ba Son có diện tích khoảng 20.000m2 với 5-7 tầng hầm, sức chứa tối thiểu 1.400 ôtô. Dự án này vẫn trong giai đoạn tìm kiếm chủ đầu tư, song vấn đề khó khăn lớn nhất đặt ra vẫn là nghiên cứu giải quyết khâu kinh tế kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, thoát hiểm, vấn đề chống ngập úng, triều cường, thông gió, chiếu sáng, ảnh hưởng tác động môi trường, an toàn cho người và phương tiện... Vì vậy, dù được quan tâm khởi động từ năm 2005 đến nay nhưng các dự án về bãi đậu xe ngầm vẫn đang giẫm chân tại chỗ.
Gần đây UBND TP đã chấp thuận cho Sở Giao thông vận tải thực hiện thí điểm xây dựng bãi đậu xe nổi lắp ghép cơ động tại các công viên, nhà ga, vỉa hè, bờ kè... song xem ra cách làm này vẫn lấn chiếm diện tích và không gian gây nên tình trạng vừa chật chội vừa manh mún, ảnh hưởng trực diện đến mỹ quan đô thị. Quy mô công trình lại nhỏ, mang tính tạm bợ theo giải pháp tình thế nên không phù hợp với tổng thể kiến trúc của một thành phố văn minh hiện đại, khó có thể đáp ứng nhu cầu dừng đậu xe, gửi xe cho cả TP.
Giải pháp mới
Giải pháp về một mô hình kiến trúc kiểu mới là khai thác hợp lý không gian trên sông rạch làm nhà đậu xe nằm trong sáng kiến “nhà trên đường - nhà không tốn đất”. Chiếm lĩnh không gian trên sông rạch thay cho giải pháp bãi đậu xe ngầm trong lòng đất ẩm thấp, tối tăm... cùng nhà đậu xe nổi lắp ghép trên mặt đất gây lấn chiếm không gian của các công viên, vườn hoa, vỉa hè, bờ kè... là nét đặc trưng của đồ án.
Công trình kiến trúc đa chức năng, cầu vượt kết hợp nhà để xe 3-5 tầng cho những đoạn kênh hẹp dưới 100m. Cách làm này vừa góp phần chống ùn tắc giao thông khu vực hai bên kênh, vừa tạo được bãi đậu xe cố định lâu dài có khối tích lớn. Với những sông và rạch lớn cho giao thông thủy qua lại, chỉ làm nhà nổi thủy tạ nhiều tầng ven bờ. Giải pháp thi công móng cọc bêtông cốt thép chống lên nền đất để đảm bảo không lấn chiếm mặt nước và không cản trở lưu thông dòng chảy, mặt thoáng bốc hơi nước làm mát môi trường, hệ thống bao che thông thoáng đảm bảo lưu thông không khí.
Giàn thép không gian lắp ghép đảm bảo an toàn và sử dụng lâu dài. Công trình có lưu không thích hợp không làm ảnh hưởng đến lưu thông đường thủy lại đảm bảo chống ngập úng, thông gió và chiếu sáng tự nhiên, dễ dàng kiểm soát phòng cháy, dễ khắc phục khi có cháy hoặc sửa chữa vận hành, tiết kiệm được rất lớn năng lượng sử dụng.
Thay cho giải pháp bãi đậu xe ngầm 5-7 tầng dọc đường Tôn Đức Thắng, từ đường Nguyễn Huệ đến cảng Ba Son, phải đào bới vận chuyển hơn 1 triệu m3 đất, có thể gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường... Tổ chức nhà nổi đậu xe trên sông có lợi hơn về nhiều mặt, sức chứa lại cao hơn, có thể lên tới 2.500-3.000 xe mà không phải là 1.400 xe như mục tiêu đề ra. Dự án dễ dàng thực hiện khi gọi vốn đầu tư, thi công nhẹ nhàng, nhanh gọn chỉ trong 6-8 tháng, giá thành công trình nổi chỉ bằng một phần năm so với công trình ngầm.
Công trình nhà nổi hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, phong phú hình khối, bề thế dễ dàng tạo ra những công trình có nét kiến trúc riêng biệt, dễ làm đẹp, tạo ấn tượng mạnh để tạo được những điểm nhấn cần thiết cho các đoạn sông rạch TP. Công trình lại kiên cố mang tính bền vững lâu dài, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Các công trình phù hợp với kiến trúc xanh - kiến trúc bền vững - tiết kiệm năng lượng sử dụng, hài hòa với thiên nhiên, tương xứng với tầm vóc TP hiện đại.
Giải pháp kỹ thuật đơn giản, sử dụng móng cọc bêtông cốt thép, hệ giàn bêtông cốt thép hoặc giàn thép lắp ghép có độ bền và tuổi thọ cao, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động. Thời gian thi công nhanh, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và không gây ô nhiễm môi trường so với giải pháp thi công nhà để xe tầng hầm.
Về tài nguyên môi trường: không ngốn diện tích đất đai cây xanh, không gây ngập úng đô thị và ô nhiễm sông rạch, góp phần cải thiện môi trường sông rạch cho TP. Khai thông ách tắc giao thông, giảm mật độ phương tiện trên đường phố, cải thiện môi trường và cảnh quan TP.
Về kinh tế: dễ dàng triển khai dự án bằng việc huy động vốn nhàn rỗi từ các doanh nghiệp và tư nhân trên nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng hưởng lợi. Hoạt động kinh doanh quản lý có sự quản lý nhà nước, nhanh chóng thu hồi vốn và có đóng góp cho ngân sách TP. Không gian trên các sông rạch hoàn toàn do Nhà nước quản lý, mà trực tiếp là UBND TP, nên khi thực hiện dự án hoàn toàn không tốn kém kinh phí và thời gian đền bù giải tỏa di dời...
Tóm lại, khai thác hợp lý không gian trên sông rạch sẽ nhanh chóng đáp ứng mọi nhu cầu đỗ xe, gửi xe, vừa kết nối giao thông đôi bờ, tránh ùn tắc, cùng lúc giải quyết nhiều bài toán về tài nguyên môi trường, kiến trúc quy hoạch, xây dựng giao thông, kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Mặt băng nhà đậu xe nổi lắp ghép cơ động
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần