Bên cạnh các dự án tỷ USD đang mọc lên trong khu đô thị Thủ Thiêm là hàng chục hộ dân vẫn ở tạm bợ trong những căn nhà nát, thiếu thốn trên mảnh đất của mình hàng chục năm qua.
Giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), nơi có những đại dự án nghìn tỷ của các đại gia bất động sản đã và đang xây dựng, nhiều khu nhà cũ nát, tạm bợ, ngập nước, sinh hoạt thiếu thốn vẫn tồn tại.
Tuyến đường Lương Định Của chạy xuyên qua khu đô thị bị đóng một đoạn dài để xây dựng hạ tầng giao thông. Hai bên đường nhếch nhác với những ngôi nhà nát của các hộ dân nhất định không di dời, vì cho rằng đất của mình không nằm trong quy hoạch.
Nhiều căn nhà đã giải tỏa trơ trọi những bức tường loang lổ hiện hữu hai bên tuyến đường này, thuộc phường Bình An, An Khánh, quận 2. Gần 15.000 hộ dân đã bị giải toả trắng để nhường đất cho dự án khu đô thị này.
Một căn nhà nằm trơ trọi giữa um tùm lau sậy, ngổn ngang đất đá của nhà cửa đã bị đập phá thời gian qua.
Căn nhà một trệt, một lầu của bà Nguyễn Thị Giáp (78 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Bình An) nằm khuất sau một căn khác đã bị giải tỏa với những bức tường nham nhở. Bà cho biết gia đình nhiều năm qua liên tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng, nhằm chứng minh phần đất của mình không thuộc diện quy hoạch và kiên quyết không tái định cư.
Cách khu biệt thự Lan Anh vài chục mét là căn nhà trên diện tích đất 70 m2 lụp xụp, che chắn bằng bạt bị mưa dột của bà Phạm Thị Vinh (66 tuổi, khu phố 1, phường Bình An).
Chị Nguyễn Thị Nhã Khánh (A2/8B, đường Liên Phường, phường Bình An) cho biết chồng là anh Nguyễn Huy Hoàng hơn 10 năm qua nhiều lần ra Hà Nội để chứng minh phần đất của mình không nằm trong diện quy hoạch. "Trước đây khu vực này có trường học, trạm y tế, điện, nước... đầy đủ nhưng mấy năm trước đã bị phá bỏ nên cuộc sống những người còn ở lại gặp nhiều khó khăn", chị cho hay.
Đây là khu vực khá trũng, hạ tầng giao thông, thoát nước bị bỏ ngỏ nên mỗi lúc triều cường lên hoặc mưa lớn sẽ bị ngập sâu, đường ra vào rất khó khăn nhưng các hộ dân vẫn bám trụ.
Căn nhà A8/B Lương Định Của, phường An Khánh nằm trên diện tích rộng 5.000 m2 của gia đình ông Trịnh Thái Bằng, bị ngập nước phía trước nên cổng chính đóng kín nhiều năm nay. "Vào thời điểm quy hoạch, giá đền bù chỉ gần 200.000 đồng/m2, chúng tôi không thể chấp nhận được", chủ đất này cho hay.
Ở khu vực này có nhiều gia đình thuê trọ làm công nhân xây dựng các công trình gần kề. Vì điều kiện khó khăn nên họ chấp nhận sống chung với nước ngập nhiều ngày mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao.
Những bảng quảng cáo hai bên đường Lương Định Của đang dần mờ, gỉ sét. Nhiều hộ dân làm ăn, kinh doanh ở đây bị phá sản. Khung cảnh trở nên hoang vu, ảm đạm sau một thời gian giải tỏa, cưỡng chế, trái ngược với hình ảnh những tòa cao ốc chọc trời cách đó không xa.
Nhiều xóm trọ tạm bợ, lụp xụp cũng mọc lên.
Trong phòng khách của gia đình ông Trần Đình Chương, ngụ tại 12/17 đường Lương Định Của, phường An Khánh, ngổn ngang những tập hồ sơ, bản đồ về khu Thủ Thiêm. Ông cho biết từ năm 2011, ông bắt đầu đi tìm những tập hồ sơ, bản đồ này và thường xuyên ra Hà Nội để chứng minh khu đất 1.200 m2 của mình và nhiều hộ dân khác không nằm trong quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm.
Ông Chương chỉ cho phóng viên vị trí khu đất của gia đình ông (bôi màu xanh) theo Sơ đồ điều chỉnh quy hoạch các khu vực ở quận 2, tỷ lệ 1/10.000 để chứng minh không nằm trong quy hoạch.
Gần bên khu đô thị Sala với những biệt thự, cao ốc sang trọng là khu tạm cư thuộc phường An Lợi Đông với những căn nhà cấp 4 nối liền nhau. Đây là khu tạm cư của những hộ dân không đồng ý với chính sách đền bù, di dời nhường đất cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm sống hơn 10 năm nay. Hiện chỉ còn 4 hộ dân vẫn sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Nhung, 55 tuổi, cho biết nhà bà nằm tổ 41, ấp 4, phường An Lợi Đông, với tổng diện tích đất hơn 600 m2. "Giai đoạn đó, giá đất thổ cư bồi thường là 18 triệu/m2. Do áp giá đất nông nghiệp nên tôi chỉ được đền bù có 200.000 đồng/m2. Hàng năm tôi đều đóng thuế đất ở, nhưng khi quy hoạch lại ép như vậy thì làm sao tôi chịu được. Giờ đất của tôi, họ xây biệt thự, bán vài chục tỷ đồng mỗi căn", bà nói.
Các hộ dân đã ở trong những khu nhà tạm bợ này trên dưới chục năm kể từ khi bị di dời nhà ở tại Thủ Thiêm. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn chờ một ngày được giải quyết đền bù thỏa đáng.
Theo quy hoạch 1/2.000 được duyệt, khu trung tâm mới của TP.HCM thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu đô thị mới Thủ Thiêm chia làm 5 khu vực chính, gồm khu lõi trung tâm chính, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía Nam.
Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.369 người, số người làm việc thường xuyên là 217.470 người và khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.719 người.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing