Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai và thiếu vốn đã khiến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trị giá hơn 1,6 tỷ USD không thể về đích đúng hẹn.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn hơn 34.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1,6 tỷ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Hiện nay, dự án tỷ USD này vẫn ngổn ngang do dính nhiều sai phạm, bị đói vốn, trong khi năng lực của tổng thầu là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) ngày một suy giảm.
Nhiều sai phạm
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong quá trình triển khai đã có nhiều vi phạm về quản lý tài chính.
Năm 2011, PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC làm tổng thầu xây dựng công trình. Việc ký hợp đồng được xác định là sai, không đủ căn cứ pháp lý khi không có phụ lục, thiếu hồ sơ đề xuất, thiết kế kỹ thuật...
Phối cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC. (Ảnh: PVC)
Ngay khi ký hợp đồng, PVC xin tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán khoản 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và dùng 55 tỷ đồng thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN.
Ngoài ra, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh còn chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng.
PVC cũng dùng hơn 300 tỷ đồng còn lại để góp vốn vào các công ty con nhưng đến nay, 3 trong số 5 đơn vị này không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Trước đó, theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có sai phạm trong thanh, quyết toán và gây thất thoát nhiều tỷ đồng.
Theo kiểm toán, chủ đầu tư PVN đã ký hợp đồng tư vấn thu xếp vốn với giá trị gần 68,9 tỷ đồng và thực hiện giải ngân gần 61,3 tỷ đồng khi chưa có văn bản quy định của nhà nước hướng dẫn về định mức cũng như hạch toán, quyết toán của các dự án đầu tư xây dựng nên chưa có cơ sở để xác nhận.
Ngoài ra, dự án có nhiều sai sót như phiếu kết quả thí nghiệm vật liệu, thí nghiệm kiểm tra cường độ của hạng mục hàng rào phía trước nhà máy không có tên cán bộ giám sát, nhật ký thi công, hồ sơ nghiệm thu chất lượng, hồ sơ nghiệm thu công việc xây dựng hạng mục hàng rào tạm cũng không có xác nhận của giám sát của chủ đầu tư…
Dự án còn bị đơn vị tham gia thực hiện phản ánh chủ đầu tư không minh bạch trong một số gói thầu. Liên quan đến công tác đấu thầu, tháng 8 năm ngoái, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tổng cục Năng lượng phối hợp với các đơn vị khẩn trương tiến hành rà soát các vấn đề liên quan đến việc tổ chức đấu thầu do PVC làm tổng thầu EPC đối với gói thầu vật liệu bảo ôn cách nhiệt tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
“Đói” vốn
Hiện, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu do khó khăn về vốn, trong khi nhiều khoản vay các tổ chức tín dụng đến hạn thanh toán.
Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án điển hình của việc dùng vốn sai mục đích của PVC. (Ảnh: PVC)
Theo tư liệu, giá trị giải ngân vốn đầu tư dự án lũy kế từ khi khởi công đến hết năm 2017 khoảng 10.009 tỷ đồng và 892,52 triệu USD (tương đương 29.297,24 tỷ đồng). Trong đó, lũy kế giải ngân của hợp đồng EPC (tạm ứng và thanh toán) là 8.235,93 tỷ đồng và 766,33 triệu USD.
Ngoài ra, theo PVN, tổng giá trị vốn vay nước ngoài đã ký là 937,14 triệu USD bao gồm các hợp đồng vay trực tiếp và vay thương mại nước ngoài và hợp đồng bảo hiểm tín dụng. Hiện, số tiền đã giải ngân được 432,06 triệu USD, chiếm 46% hạn mức số tiền vay, đã trả nợ gốc được 81 triệu USD, số dư 351 triệu USD, số còn lại chưa giải ngân là hơn 505 triệu USD.
Thời hạn giải ngân cuối cùng theo quy định của hợp đồng là ngày 28/9/2018. Việc xác định phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các tổ máy 1 và tổ máy 2 làm cơ sở hoàn tất các chứng từ thanh toán để giải ngân vốn vay.
Theo tiến độ được phê duyệt, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến đưa vào hoạt động tổ máy 1 năm 2017, tổ máy 2 năm 2018. Tuy nhiên, PVN đã kiến nghị tiến độ dự án được điều chỉnh lại tiến độ, tổ máy 1 vào tháng 6/2019 và tổ máy 2 vào tháng 9/2019. Việc trễ tiến độ có thể ảnh hưởng đến khoản tiền chưa giải ngân khoảng 265,5 triệu USD.
Theo tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 được duyệt, nguồn vốn dự kiến còn thiếu khoảng 9.600 tỷ đồng chưa thu xếp được. Tính đến cuối năm 2017, PVN đã phải sử dụng 21.577 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để giải ngân phục vụ dự án.
Những khó khăn về đảm bảo nguồn vốn cho dự án đã ảnh hưởng đến tiến độ khiến dự án đứng trước nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.
Giải cứu cách nào?
Tháng 2/2018, PVN đã báo cáo Thủ tướng phương án tiếp tục thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. PVN cũng cho biết đã tính tới việc thay thế tổng thầu PVC bằng một tổng thầu khác đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án.
Tuy nhiên, nếu dừng hợp đồng EPC với PVC, tiến hành phạt, bồi thường do chậm tiến độ, thì giá trị chủ đầu tư cần phải thu hồi từ phía tổng thầu PVC khoảng 3.512 tỷ đồng, trong đó tiền phạt và bồi thường do chậm tiến độ khoảng 2.489 tỷ đồng, và giá trị tạm ứng còn phải thu hồi đến thời điểm này khoảng 1.023 tỷ đồng. Trường hợp chấm dứt hợp đồng EPC lúc này, PVC sẽ phải gánh chịu ngay hậu quả của khoản chi phí ước tính 10.543 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo PVN, việc dừng hợp đồng khi chưa có tổng thầu thay thế sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng về tiến độ, chi phí phát sinh và mất ổn định công trường.
Từ đó, PVN cho rằng chỉ có thể chấm dứt hợp đồng EPC với PVC khi đã chắc chắn lựa chọn được tổng thầu mới đủ năng lực.
Theo PVN, thời gian qua, chủ đầu tư đã tiến hành làm việc với một số nhà thầu nước và nhà thầu trong nước có kinh nghiệm để thay thế PVC. Tuy nhiên, các tổng thầu này hoặc là từ chối, hoặc không thể cam kết về chất lượng, tiến độ, chi phí của dự án. Đặc biệt, các tổng thầu đàm phán với PVN đều không chịu trách nhiệm đối với tất cả các phần việc do PVC đã thực hiện, trong đó có nghĩa vụ bảo hành thiết bị.
Do đó, PVN buộc phải lựa chọn phương án tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC với PVC, sẵn sàng phương án xấu nhất để thay thế PVC và thực hiện các quyền, nghĩa vụ mà PVC đã ký với thầu phụ.
Trong văn bản mới đây gửi các cấp có thẩm quyền, PVN đã đề xuất nhiều kiến nghị về vốn, xin lùi tiến độ, miễn phạt hợp đồng vì chậm tiến độ hay giảm giá hợp đồng do chỉ định thầu… nhằm có thể hoàn thành dự án trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
PVN kiến nghị chấp thuận để Ngân hàng Nhà nước ủng hộ các ngân hàng thương mại trong nước trong việc cấp tín dụng vượt hạn mức vốn điều lệ của PVN tại các ngân hàng để giải ngân cho dự án.
PVN cũng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại đã được cơ quan này phê duyệt hạn mức tín dụng để cho PVN vay vốn triển khai dự án thúc đẩy thực hiện các bước tiếp theo để hoàn tiện thủ tục ký kết hợp đồng cho vay vốn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các ngân hàng, hiện nay PVN chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý quan trọng liên quan đến việc phê duyệt hiệu chỉnh tổng mức đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án… để có cơ sở thẩm định, xem xét quyết định cho vay theo đúng quy định. Do vậy, kiến nghị của PVN chưa có đủ cơ sở để xem xét.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC News