Nhà máy 2.300tỷ vừa hoạt động đã đóng cửa:Thiết bị Trung Quốc..

Cập nhật 05/01/2018 09:40

Quảng Nam sẽ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo để gửi lên Thủ tướng...

Liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo về việc Nhà máy soda Chu Lai (Quảng Nam) đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng nhưng mới hoạt động đã phải đóng cửa.

Thủ tướng chỉ đạo, báo cáo phải gửi về trước ngày 15/2.

Nhà máy Soda Chu Lai đã ngừng hoạt động hoàn toàn từ tháng 8/2016 đến nay. Ảnh: LĐ

Về thông tin này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết ông chưa nhận được văn bản chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, song ông khẳng định khi nhận được chỉ đạo tỉnh sẽ có báo cáo đầy đủ theo chỉ đạo.

Giải thích thêm, Chủ tịch UBND Quảng Nam cho biết, Nhà máy sản xuất soda Chu Lai (Cty CP Sản xuất soda Chu Lai) được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân, ngân sách địa phương không chi đầu tư xây dựng dự án này. Theo đó, Thủ tướng có chỉ đạo báo cáo tới đâu, tỉnh sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình, báo cáo tới đó.

Về thông tin doanh nghiệp này được xây dựng với tổng vốn 2.300 tỷ nhưng lại đi vay tới 2.000 tỷ. Riêng Ngân hàng NNPTNTVN - Agribank đã dốc hầu bao từ 5 chi nhánh trên toàn quốc gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Tuyên Quang để cho dự án này vay đến 1.600 tỉ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng VN - PVcomBank cũng góp thêm 400 tỉ cho dự án này.

Ngoài ra, dự án hầu hết được đầu tư bằng thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc, đây được xem là nguyên nhân khiến nhà máy phải ngừng hoạt động ngay khi vừa đi vào hoạt động.

"Những thông tin trên tôi không biết. Doanh nghiệp không báo cáo chúng tôi họ vay bao nhiêu tiền, và sử dụng loại công nghệ của nước nào? Đó là quyết định của doanh nghiệp, tỉnh hoàn toàn không nắm và cũng không thể can thiệp được. Tỉnh chỉ xem xét những thủ tục, hồ sơ đăng ký, và thực hiện cấp phép đầu tư nếu dự án đủ điều kiện", ông Thu nói.

Cũng theo ông Thu, việc đóng cửa hay không của doanh nghiệp này hiện tại không ảnh hưởng gì tới nguồn thu của địa phương. Ông cho biết, doanh nghiệp này vừa mới đi vào hoạt động, chưa có đóng góp gì nên không gây ra sự xáo trộn như làm tăng nguồn thu khi còn sản xuất và giảm nguồn thu khi đóng cửa.

Liên quan tới dự án này, dù mới đi vào hoạt động nhưng Nhà máy soda Chu Lai đã gây nhiều điều tiếng, bức xức.

Điển hình là việc gây ô nhiễm nghiêm trọng cả về tiếng ồn, bụi bẩn và nước thải. Hơn 240 hộ dân xã Tam Hiệp đã liên tục bao vây nhà máy phản ứng. Thuỷ sản nuôi tại các đầm hồ lân cận chết trắng… Chính quyền kiểm tra, Tổng cục Môi trường - Bộ TNMT vào thanh tra, kết luận hệ thống xử lý thải không đảm bảo, xử phạt đến 730 triệu đồng thời điểm cuối 2015.

Ở thời điểm đó, nhà máy đã bị UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngừng sản xuất để khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, khi tái khởi động được vài tháng thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn phải ra quyết định dừng hoạt động nhà máy từ tháng 8/2016.

Nói thêm về việc này, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - ông Hồng Thanh Quang - khẳng định nguyên nhân ngừng hoạt động không chỉ vì ô nhiễm môi trường mà là do dây chuyền sản xuất không đảm bảo, khó khăn về tài chính, thị trường… Tuy nhiên tỉnh không nhận được báo cáo cụ thể nào.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt