Các nhà xây cùng tuyến phố sẽ có cùng gam màu. Không cho sử dụng màu nóng, màu chói như đỏ, đen, vàng, cam trên mặt tiền nhà.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Trong dự thảo này có quy định: Nhà mặt phố xây dựng không đồng thời thì các nhà xây sau ngoài việc phù hợp với quy hoạch còn phải tương đồng với cao độ nền, chiều cao tầng, màu sắc của nhà xây trước đó đã được cấp phép.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia được hỏi đều nhận định: “Quy định này chỉ có thể áp dụng cho khu vực mới, khi cả một dãy phố cùng bắt đầu triển khai xây dựng”.
Lý thuyết dễ, thực tế khó
Cùng cho rằng nếu dãy phố tương đồng về màu sắc, cao độ nền, chiều cao tầng thì bộ mặt sẽ rất đẹp nhưng cả đại diện Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận Gò Vấp và quận 11 (TP.HCM) đều lo ngại tính khả thi của quy định này.
Trưởng phòng QLĐT quận 11 Võ Xuân Quang phân tích: “Sở thích, quan điểm của từng người về màu sắc là khác nhau, chưa kể về phong thủy thì người hợp màu này, người hợp màu kia. Cái khó nhất là do lịch sử phát triển của đô thị, cùng một khu phố, các nhà xây trước đó cũng rất lộn xộn, vậy biết lấy nhà nào làm chuẩn?”.
Ông Lê Đình Tri, Vụ phó Vụ Quy hoạch-Kiến trúc (Bộ Xây dựng), nhìn nhận trong thực tế, gia chủ rất muốn có sự khác biệt giữa ngôi nhà của mình với các nhà lân cận khác. Ví dụ, một nhà kinh doanh gas có thể muốn sơn cửa hàng màu đỏ cho nổi bật, tạo sự chú ý. Nhà khác, tử vi phán mệnh của gia chủ chỉ nên dùng màu đen nên sơn nhà màu tối. Các gam màu nổi bật này đặt ngay trên một tuyến phố đã có nhiều màu trang nhã, hài hòa sẽ gây phản cảm.
Ông Bùi Hồng Hà, chuyên viên Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, cũng băn khoăn: “Nếu buộc nhà xây sau phải tương đồng màu sắc nhà xây trước thì chuẩn là màu nào, ai tuyên bố việc này? Nếu nhà xây trước mà màu sắc quá xấu thì sao, không lẽ nhà sau cũng phải theo?”.
Không bắt buộc phải giống y đúc
Phó phòng QLĐT quận 5 Huỳnh Thiện Triết đề nghị nên giải thích rõ quy định “tương đồng về màu sắc”. Theo ông, tương đồng có nghĩa là màu sắc hài hòa, không phản cảm nhau khi đặt các nhà cạnh nhau thì mới hợp lý. “Không phải tương đồng nghĩa là buộc các căn nhà phải giống nhau hết, hễ nhà này màu xanh thì nhà kia cũng màu xanh, không được làm màu vàng, màu trắng...” - ông này phân tích.
Trong các dự án mới, hầu hết các nhà phố đều có quy chuẩn và màu sắc tương đồng. Ảnh: HTD |
Vụ phó Vụ Quy hoạch-Kiến trúc Lê Đình Tri cũng đồng tình: “Sự tương đồng về màu sắc không có nghĩa là giống hệt nhau mà là các nhà trên tuyến phố có cùng gam màu”.
“Chỉ cần các căn nhà tương đồng nhau về chiều cao, khoảng lùi theo quy hoạch chi tiết là phố đủ đẹp rồi” - Trưởng phòng QLĐT quận 11 Võ Xuân Quang nêu quan điểm. Bởi theo ông này, không chỉ yêu cầu tương đồng về màu sắc mà việc yêu cầu tương đồng về cốt nền trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật của TP hiện nay cũng rất khó. “Hiện ta chưa quản lý được cốt nền. Cứ mỗi lần cải tạo đường là đổ thêm lên một lớp làm cho đường ngày một cao lên, nhà thì thấp xuống. Đòi hỏi nhà dân tương đồng nhau hết thật không dễ” - ông bày tỏ.
Trong khi đó, ông Lê Đình Tri cho rằng để có những khu phố đẹp thì chính quyền phải thuyết phục dân biết vì lợi ích chung của toàn tuyến phố. “Nước ta đang trong quá trình phát triển nên cũng không thể đưa ra quy định mang tính áp đặt và cứng, người dân sẽ khó thực hiện” - ông Tri lưu ý.
Không sử dụng màu nóng, màu chói
Quyết định 135/2007 của UBND TP.HCM về quản lý kiến trúc đô thị trong khu đô thị hiện hữu cũng đã đặt ra vấn đề màu sắc của mặt ngoài nhà. Ông Bùi Hồng Hà, chuyên viên Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, cho biết trước đây khi xây dựng Quyết định 135, Sở cũng từng có ý định đưa vào yêu cầu các căn nhà phải tương đồng về màu sắc nhưng sau đó đã phải bỏ vì nhận thấy khó thực hiện. Do đó, Điều 19 của quyết định này chỉ dừng lại ở mức quy định mặt ngoài nhà (mặt tiền, mặt bên) không sử dụng màu nóng (đỏ, đen) hoặc màu chói (vàng, cam) trên toàn bộ mặt tiền nhà.
GS-TS Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam:
Độc đáo nhưng phải hài hòa
Nhà mặt phố không chỉ cần có sự tương đồng về độ cao nền, chiều cao từng tầng và màu sắc nhà mà còn cần sự tương đồng về kiểu dáng nhà. Chẳng hạn, trên một dãy phố, người ta làm nhà theo kiểu mới nhưng trên đó bỗng nhiên lại mọc lên một cái nhà được làm theo kiểu rất cổ thì không phù hợp. Ngược lại thì cũng không ổn.
Quy định như vậy không hạn chế sự sáng tạo của kiến trúc sư và chủ nhân ngôi nhà. Ngược lại, điều đó đòi hỏi kiến trúc sư phải có sự sáng tạo rất lớn để làm sao cho căn nhà đó tuy là đi sau nhưng vẫn có nét riêng và phải hài hòa với khung cảnh chung. Sự độc đáo của mỗi căn nhà là cần thiết nhưng phải có sự hài hòa chứ không thể chỉ làm một cách tự nhiên.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội:
Thiết kế cho từng tuyến phố
Hiện nay, trong quy hoạch chi tiết có yêu cầu phải thiết kế cho cả các tuyến phố để tạo sự hài hòa ở đó. Khi đã có thiết kế cho từng tuyến phố thì phải công bố rộng rãi cho dân biết (có thể thông qua triển lãm). Phải làm sao cho người dân hiểu được, nắm được mới là quan trọng. Cùng với đó là sự phân cấp cho quận, huyện làm.
Ở Hà Nội, nhiều tuyến phố đã được thiết kế. Đơn cử như tuyến phố Chùa Bộc có sự tương đồng giữa các nhà ở đó, các nhà có cùng độ cao tầng một như nhau trông đẹp mắt...
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP