Nhà lưu trú công nhân ở TP.HCM: Khởi động chậm, do đâu?

Cập nhật 15/08/2009 15:05

Rất ít DN xây nhà lưu trú cho công nhân.

Những thủ tục về vay vốn, về điều chỉnh quy hoạch đang là những trở ngại chính cho việc hoàn thành những khu nhà lưu trú công nhân (NLTCN) tại TP.HCM. Một vấn đề lớn khác khiến các chủ đầu tư không mặn mà với việc xây NLTCN là rất khó hoàn vốn.

Thời gian vay vốn ngắn

Hầu hết các dự án NLTCN tại các KCN ở TP.HCM đều triển khai rất chậm mặc dù đã có quỹ đất, có quy hoạch 1/500 được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0%, được miễn tiền sử dụng đất, được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm… Nhưng đến thời điểm này chỉ có nhà lưu trú của KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Tạo, KCN Hiệp Phước được xây dựng. Mới đây nhất là khu lưu trú công nhân Trường Thịnh (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) do Cty Đầu tư xây dựng Trường Thịnh làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng. Và đầu tháng 9 tới, 2 block của khu lưu trú Tân Thuận dự định khởi công.

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng BQL KCX và KCN TP.HCM nhấn mạnh: “Để phát triển bền vững chính những chủ đầu tư hạ tầng phải có trách nhiệm xây nhà lưu trú cho công nhân. Nếu không làm thì sẽ còn bị nợ hoài và còn bị đòi hoài”. Còn ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thì cho biết: “UBND TP coi đây là chương trình trọng điểm, DN bị vướng ở đâu sẽ được giải quyết ở đó. Chương trình này hiện nay có một ban chỉ đạo nên các DN cũng phải nhanh hơn nữa để hoàn thành tiến độ đề ra. Bộ Xây dựng đã đồng ý chủ trương tận dụng những khu quy hoạch “treo” làm công viên cây xanh, những khu vực đất nông nghiệp hoang hóa không sử dụng, khu vực đất nông nghiệp xen cài, đất dưới đường điện chưa triển khai… đều có thể cấp phép xây dựng tạm nhà trọ cho công nhân với một số cam kết để tăng thêm quỹ đất cũng như lượng phòng trọ cho công nhân”.

Tuy nhiên, các DN lại cho rằng đầu tư vào NLTCN vốn rất lớn và thu hồi chậm nên khuyến nghị cho vay từ 10 - 25 năm (thay vì 7 năm như hiện nay). Một vấn đề nữa là DN gặp khó khi điều chỉnh lại quy hoạch. Cty CP Sản xuất kinh doanh XNK dịch vụ và Đầu tư Tân Bình gặp rắc rối khi điều chỉnh quy hoạch từ 2 tầng lên 5 tầng, nâng mật độ sử dụng từ 25% lên 35% nhưng Q.Bình Tân không chấp thuận vì khi điều chỉnh như vậy không đảm bảo được hệ số sử dụng công trình công cộng theo đầu người như cây xanh, trường học, y tế cũng như làm tăng cơ học lượng dân số tại quận…

Sợ xây rồi không ai vào ở


Ông Vũ Văn Hòa lo lắng: “Nếu KCN được lấp đầy với quy hoạch, liệu sau này có còn đất để xây dựng NLTCN nữa không? DN phải có tầm nhìn xa và nên dành quỹ đất cho công nhân”. Lo lắng ấy là có thật khi mà KCN Tân Phú Trung điều chỉnh diện tích khu lưu trú công nhân từ 10ha xuống 5ha. Theo lý giải của đại diện Cty CP Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc thì do hiện nay mới có 48 DN vào đầu tư tại KCN, lượng công nhân cũ đã có chỗ ở ổn định bên ngoài KCN, sợ khi đầu tư mới không có công nhân vào ở.

Trước tình cảnh đó, ông Nguyễn Tấn Bền cũng trăn trở: “Các DN cần chú ý đến chất lượng công trình, diện tích phòng, chỗ sinh hoạt giải trí, các dịch vụ trong khu lưu trú… Xây xong NLTCN rồi mà công nhân không vào ở thì chúng tôi cũng không biết nói sao nữa”. Một số DN thì lo lắng nếu xây NLTCN mà đưa ra giá thuê là 180 ngàn đồng/tháng thì công nhân cũng không vô và nhà xây lên rồi lại bỏ trống sẽ gây tình trạng lãng phí.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng