Nhà kinh doanh nặng gánh giá mặt bằng

Cập nhật 02/07/2011 11:20

Theo tiết lộ của một số nhà kinh doanh thời trang đang mở shop ở mặt tiền đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu…, giá mặt bằng đang chiếm 40 – 50% giá bán lẻ, có nơi đến 60%. Đây là tỷ lệ cao chưa từng có từ trước đến nay.


Trung tâm thương mại Lucky Plaza trên đại lộ Nguyễn Huệ (quận 1) những ngày hoạt động kinh doanh cuối cùng (30.6.2011) trước khi đóng cửa ngưng hoạt động vào tháng 7.2011. Ảnh: Lê Quang Nhật

“Giá thuê mặt bằng mở shop ở mặt tiền đường quá cao, nhưng tôi không có cách lựa chọn nào khác, vì mình không thuê thì người khác thuê, mà đã kỳ công xây dựng thương hiệu thời trang cả chục năm, chả lẽ bây giờ mở cửa hàng trong ngõ hẻm…”, bà Ngô Thị Báu, chủ nhãn hiệu thời trang Foci than thở.

Vừa lo bán ế, vừa lo mất chỗ

Bà N. đang thuê quầy rộng hơn 42m2 ở lầu 2 trung tâm thương mại Vincom bán quần áo thời trang. Mới đây, theo yêu cầu của ban quản lý trung tâm, nhằm phân cấp và sắp xếp lại theo cụm chủ đề cho khách mua dễ lựa chọn, bà N phải di dời gian hàng xuống tầng hầm B2. Không đồng ý với vị trí kinh doanh mới nằm ở tầng hầm, lại đối diện cầu thang thoát hiểm, theo bà N là vừa không hợp phong thuỷ, vừa ít khách qua lại, cũng không còn vị trí nào tốt hơn để đổi sang, nên bà N. đang lo nguy cơ mất tiền cọc. Bởi lẽ trong hợp đồng đã ký khi thuê quầy ở Vincom một năm trước, có điều khoản ban quản lý trung tâm có quyền di dời vị trí kinh doanh sang chỗ khác mà khách thuê quầy không được khiếu kiện.

Bà N. nói: “Tôi buôn bán ở khu vực trung tâm quận 1 này đã hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ khó kiếm mặt bằng như thế”. Những chỗ bà N. từng buôn bán giờ không còn nữa như Intershop (đã cháy và chưa khởi công xây lại), Eden (đang xây dựng); Parkson, Diamond, Zen Plaza thì chỉ nhận hàng có thương hiệu nổi tiếng; Vincom khi mới ra đời chấp nhận cho tiểu thương như bà thuê, nên dù với giá cao, bà vẫn ký hợp đồng thuê bốn năm và chấp nhận chịu lỗ trong hơn một năm qua với hy vọng sẽ có lãi sau này, đến giờ lại gặp trục trặc.

Nhiều tiểu thương khác cho biết, quận 1 được coi là trung tâm kinh doanh thương mại sầm uất nhất của TP.HCM, nhưng tìm được chỗ bán hàng không dễ. Sau khi Kumho Asiana Plaza Sài Gòn đóng cửa chuyển đổi mô hình kinh doanh, đầu tháng 7.2011 này đến lượt Lucky Plaza đóng cửa. Nhiều tiểu thương đang thuê quầy ở tầng trệt và lầu 1 Lucky Plaza đã nhanh chân đến Taka Plaza (trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tìm một chỗ buôn bán và phải chịu giá thuê quầy cao gần gấp đôi so với nơi cũ. Và họ lại quay lại con đường phải chịu đựng một thời gian, đến khi khách mua quen dần, hoặc có thể sẽ ngày càng vắng hơn như trường hợp trung tâm thương mại Sài Gòn Square 2 nằm trên đường Tôn Đức Thắng. Bà Bảo, một chủ quầy trang sức đã tốn gần 10.000 đôla Mỹ để có được một quầy ở nơi này, nhưng vì khách vắng, bán ế, nên mới đây đã phải sang nhượng lại cho người khác với giá chỉ còn 4.000 đôla Mỹ.

Thị trường bán lẻ TP.HCM được dự kiến trong các tháng đầu năm 2011 sẽ có ba trung tâm bán lẻ đi vào hoạt động: The Crescent, Bitexco Financial Tower và The Manor giai đoạn 2, cung cấp khoảng 36.000m2 sàn. Nhưng cho đến nay, cả ba nơi này đều chưa chính thức khai trương khu kinh doanh thương mại. Thực tế nguồn cung mặt bằng bán lẻ nhiều, nhưng những vị trí như ý người thuê chưa được đáp ứng đủ.

Một bộ quần áo gánh cả triệu đồng chi phí mặt bằng

Bà Ngô Thị Báu nhận xét: tính về số lượng, sức mua hàng thời trang hiện nay chỉ bằng 1/3 năm ngoái, còn giá mặt bằng lại luôn theo xu hướng tăng lên, áp lực chi phí từ mặt bằng tăng gấp ba lần trước đây. Bà Báu khẳng định: mặt bằng luôn là nỗi lo hàng đầu của những đơn vị muốn phát triển hệ thống bán hàng, xây dựng thương hiệu.

Trong sáu tháng đầu năm, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 21 – 22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng dưới 7% – mức tăng khá thấp so với những năm trước đây trung bình khoảng 15 – 20%, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, tổng thư ký hiệp hội Bán lẻ Việt Nam. Dự báo mức tăng trưởng cả năm của ngành bán lẻ bằng hoặc trên 6%.

Chính vì bán ế trong khi giá mặt bằng vẫn đứng ở mức cao hoặc tiếp tục tăng lên tuỳ nơi, buộc người kinh doanh phải tăng mạnh giá bán lẻ để bù chi phí mặt bằng; nhưng càng tăng giá thì càng ế, cái vòng luẩn quẩn! Như trường hợp ông Hùng, chủ shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi, quận 1. Với chi phí mặt bằng hơn 3.000 USD/tháng, mỗi ngày tiền mặt bằng phải chịu tối thiểu là 2,1 triệu đồng. Nếu như trước đây bình quân bán được khoảng 5 – 7 bộ/ngày, thì trong mỗi bộ quần áo, người mua chỉ phải trả chi phí khoảng 300.000 đồng cho tiền thuê mặt bằng. Nhưng hiện nay có khi cả tuần shop ông Hùng mới bán được hơn 10 bộ, tính ra chi phí mặt bằng trên mỗi bộ lên đến cả triệu đồng.

Bà Bảo sau khi sang nhượng lại quầy ở Sài Gòn Square 2 đã phải sang tận quận 10, thuê nhà mặt tiền để bán hàng, giá thuê rẻ hơn khu quận 1 nhưng bà phải tốn chi phí nhiều hơn để gửi thông báo cho khách hàng cũ, quảng cáo trên mạng, trên báo…

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị