Sở Xây dựng TPHCM đề xuất trường hợp nhà xây dựng trái phép trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết phải buộc tự tháo dỡ.
Hơn 12.000 căn nhà xây dựng không phép đã ngang nhiên “mọc” lên sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực (ngày 1.7.2004) và chính sự buông lỏng quản lý của quận huyện đã đặt lãnh đạo UBND TPHCM vào một tình thế khó xử: Nếu kiên quyết buộc tháo dỡ nhà do xây dựng không phép, hàng ngàn hộ dân sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Còn cho hợp thức hóa để tồn tại sẽ tạo thành tiền lệ xấu.
Không cương quyết từ đầu thành... thua!
Sau hơn 4 năm áp dụng Luật Xây dựng, theo thống kê sơ bộ, tại TPHCM đã “mọc” thêm hơn 12.000 căn nhà xây dựng không phép (thực tế có thể còn cao hơn nhiều). Chỉ riêng năm 2007, toàn TP phát hiện 6.000 vụ vi phạm xây dựng các loại, trong đó có khoảng 3.000 vụ xây dựng không phép.
Tuy nhiên, việc xử lý lại quá hời hợt, bởi theo thông tin được UBND TP đưa ra vào đầu tháng 12 là đến nay chỉ ban hành 245 quyết định xử phạt. Hơn nữa, việc xử lý nhà xây dựng không phép mỗi nơi thực hiện một kiểu. Có nơi kiên quyết buộc tháo dỡ (như quận Gò Vấp), có nơi lại khá thờ ơ trong việc ngăn chặn.
Chẳng hạn tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, qua kết quả kiểm tra mới đây, trong 3 năm sau ngày Luật Xây dựng có hiệu lực, tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng là hơn 1.000 vụ. Điều kỳ lạ là đa số các trường hợp vi phạm chỉ bị chính quyền địa phương lập biên bản và ban hành quyết định xử lý vi phạm, còn biện pháp khắc phục hậu quả như tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất... ghi trong quyết định lại không được thực hiện rốt ráo.
TP muốn cho tồn tại
Nếu áp dụng triệt để theo quy định của điều 120 Luật Xây dựng thì hầu hết nhà xây dựng không phép sẽ bị buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng, như vậy sẽ gây xáo trộn cho hàng chục ngàn hộ dân. Do vậy, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả trên đang là vấn đề khó khăn cho cơ quan tham mưu là Sở Xây dựng TPHCM. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết sở vừa có văn bản kiến nghị cho phép hợp thức hóa một số trong hơn 12.000 căn nhà xây dựng trái phép sau ngày 1.7.2004 và đã được UBND TP đồng thuận.
Theo đó, đối với các trường hợp xây dựng trái phép sau ngày 1.7.2004 nhưng phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được xây dựng trên đất ở đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ), nhà xây dựng lại hoặc cải tạo trên nền nhà cũ, nhà xây dựng trên đất ở có đủ điều kiện được cấp giấy đỏ và bảo đảm cơ sở hạ tầng sẽ được xem xét cho tồn tại.
Còn đối với các trường hợp xây dựng trái phép không phù hợp với quy hoạch cũng được xem xét cho tồn tại. Cụ thể, nhà xây dựng trái phép trên khu đất không phải là đất ở hoặc nhà nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết nhưng chưa thực hiện dự án thì được xem xét cho tồn tại tạm thời nhưng chưa xét cấp chủ quyền nhà. Khi dự án triển khai, chủ nhà phải chấp hành di dời theo quy định...
Riêng những trường hợp xây dựng trái phép trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết và đang hoặc sắp triển khai dự án thì phải tiến hành tự tháo dỡ ngay để giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra, những trường hợp cố tình như xây dựng trái phép trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết, đã triển khai dự án, người dân đã bị giải tỏa nhưng quay trở lại tái lấn chiếm thì dứt khoát phải buộc tháo dỡ ngay.
Còn tại các quận mới và các huyện ngoại thành, các trường hợp vi phạm như đất được cha mẹ cho con cái ra riêng xây nhà, một mặt sở kiến nghị UBND các quận - huyện nhanh chóng xây dựng quy hoạch chi tiết khu dân cư nông thôn làm cơ sở để xử lý vi phạm xây dựng. Mặt khác, sở cũng đề nghị các trường hợp trên được phép chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chủ quyền.
Đề nghị bổ sung NĐ 180/CP
Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7.12.2007 của Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, lại nêu rõ: Mọi công trình xây dựng trái phép đều bị đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ.
Theo ông Đỗ Phi Hùng, nghị định này lại không quy định đối với những trường hợp xây dựng trái phép đã hoàn thành. Do đó, Sở Xây dựng đã kiến nghị thêm một số nội dung chưa được Nghị định 180/CP đề cập. Đó là xem xét những trường hợp xây dựng nhà trái phép sau ngày 1.7.2004 được phép tồn tại nếu phù hợp với quy hoạch. Còn đối với những trường hợp xây dựng trái phép sau ngày Nghị định 180/CP có hiệu lực, dứt khoát sẽ bị tháo dỡ.
Theo Người Lao Động