Nhà không phép đua nhau "mọc" trên đất canh tác

Cập nhật 11/04/2008 11:00

Từ khi có thông tin Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, tình trạng nhà không phép được xây dựng tràn lan trên diện tích đất nông nghiệp, đất lấn chiếm thuộc địa bàn xã Phú Lãm, TP. Hà Đông ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của UBND xã Phú Lãm, hiện trên địa bàn có tới trên 500 ngôi nhà không phép mọc lên, việc người dân sử dụng đất chuyển đổi sai mục đích tới hàng nghìn m2 diễn ra phổ biến. Chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để lập lại kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất đai trước tình hình trên.

Xã Phú Lãm có tổng diện tích 370 ha đất tự nhiên, trong đó có 170 ha đất canh tác, 130 ha đất thổ cư. Trước đây, xã Phú Lãm thuộc huyện Thanh Oai, nhiều trường hợp vi phạm mục đích sử dụng đất đai vẫn chưa được xử lý kiên quyết, đến khi chuyển về TP. Hà Đông, tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá ở Phú Lãm quá nhanh, cùng với sự “bùng nổ” về dân số, nên nhu cầu về nhà ở, chỗ ở khá bức xúc. Trong khi đó, diện tích đất thổ cư của địa phương quá ít.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do sự buông lỏng quản lý sử dụng đất đai của chính quyền địa phương. Với các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất trái phép để xây dựng nhà ở, lều quán, chính quyền chỉ ra mức phạt 200.000 đồng/trường hợp và yêu cầu tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng.

Mức phạt thấp, cộng với công tác nắm bắt, quản lý chưa sâu sát, vận động tuyên truyền còn kém hiệu quả nên tình trạng tái vi phạm ở xã vẫn cứ diễn ra hàng ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các trường hợp vi phạm lấn chiếm, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất ít nhất cũng từ 100m2, nhiều lên tới 500m2. Những hộ này đều tự ý xây lên hàng trăm ngôi nhà, hàng chục lều quán kinh doanh hoặc cho thuê. Cũng có những trường hợp xây nhà để “vườn không nhà trống”, khi có khách hỏi mua, họ tự ý sang nhượng lén lút bằng hình thức giấy trao tay với giá từ 2,5 đến 4 triệu đồng/m2, không thông qua chính quyền. Những việc làm này chính quyền xã không thể kiểm soát nổi.

Ông Nguyễn Bá Hoà, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cuối năm 2007, xã đã tổ chức cưỡng chế nhiều trường hợp vi phạm đất đai. Được sự hỗ trợ về lực lượng và phương tiện của cấp trên, xã đã cưỡng chế và tháo dỡ hơn 200 trường hợp xây nhà, dựng lều quán trái phép. Tuy nhiên, lực lượng, phương tiện và kinh phí còn mỏng, nên sau một thời gian tổ chức cưỡng chế, tình trạng xây dựng nhà trên đất canh tác đâu lại vào đó".

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý của UBND xã để xảy ra các trường hợp vi phạm, ông Hoà cho biết: Hiện chính quyền địa phương đang xây dựng kế hoạch, đồng thời phân loại đối tượng, trường hợp, mức độ vi phạm, tiến hành cưỡng chế giải toả và giao cho các cơ quan chức năng xử lý.

"Những trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần với số lượng lớn có thể sẽ bị khởi tố trước pháp luật” - Chủ tịch UBND xã Phú Lãm khẳng định.

Theo VTC News