Giá nhà đất tại TP.HCM không ngừng leo thang, trong khi thu nhập của người lao động chưa cải thiện nhiều, khiến giấc mơ an cư ngày càng trở nên xa vời.
Hai năm qua, căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng trở xuống hầu như vắng bóng tại TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng
Xa dần giấc mơ an cư
Chị Vũ Thị Thu, quê ở Nghệ An, vào TP.HCM làm công nhân đến nay đã hơn 15 năm, nhưng cả gia đình vẫn phải thuê trọ. Sau nhiều năm tích góp, vợ chồng chị dành dụm được khoảng 1 tỷ đồng và thời gian qua đã rảo khắp chốn ở TP.HCM để tìm mua một căn hộ chung cư hoặc một căn nhà ở, nhưng dường như vô vọng.
“Nếu cách đây chừng vài ba năm, với số tiền này vợ chồng tôi đã mua được một căn hộ, nhưng hiện nay thì không thể. Hầu hết các khu chung cư mà chúng tôi tìm đến, ngay cả ở các quận huyện vùng ven, giá thấp nhất cũng từ 2 tỷ đồng trở lên, cho nên đành tiếp tục cuộc sống thuê trọ, tích góp tiếp rồi mới tính chuyện mua nhà”, chị Thu bộc bạch.
Tương tự, anh Mai Hoàng Hải, đang trọ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ rằng, hai vợ chồng có ý định mua nhà cách đây 3 năm, nhưng đến nay số tiền tiết kiệm được ngày càng cách xa với giá trị căn nhà.
“Cầm trong tay cuốn sổ tiết kiệm 400 triệu đồng để đi tìm những dự án chung cư có giá dưới 1 tỷ đồng, nhưng mỏi mắt cả năm nay không thấy”, anh Hải nói và cho biết thêm, từ cuối năm 2018, anh đã chạy khắp khu Đông, rồi khu Tây và khu Nam, cứ ở đâu có thông tin bán nhà chung cư giá rẻ là đi xem, nhưng cứ dự án giá rẻ thì hết hàng, dự án còn hàng thì ngân hàng không cho vay do không đủ điều kiện.
Thực tế, không chỉ riêng công nhân, mà các cán bộ, viên chức, nhân viên văn phòng có thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/tháng cũng khó có thể mua được nhà trong thời điểm hiện tại sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 2 năm qua, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống và nhà ở xã hội ở hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM. Một căn hộ trung cấp (2 phòng) cũng có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2) trở lên.
“Mức giá trên cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân vào khoảng 8-12 triệu đồng/tháng (tức trên dưới 100 triệu đồng/năm). Do vậy, việc kéo giảm giá nhà và tăng nguồn cung nhà phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân là rất cấp thiết”, ông Châu nói.
Loay hoay tìm hướng đi
Gợi ý giải pháp để người thu nhập thấp có thể sở hữu nhà, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần phải tạo ra các mô hình phát triển nhà ở tại các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM.
“Chúng tôi đã có kiến nghị Chính phủ sớm triển khai Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt”, ông Châu thông tin.
Mặt khác, theo phân tích của ông Châu, hơn 20 năm qua, nhiều địa phương trong “vùng TP.HCM” ghi nhận tốc độ đô thị hóa rất nhanh, tạo thành các đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố, chẳng hạn như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An); Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai); Phú Mỹ, Tân Thành, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...
"Muốn thị trường có nhà thương mại giá rẻ thì doanh nghiệp phải có nhiều hơn sự hỗ trợ từ Nhà nước..."
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành
Vì thế, việc phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp để hình thành khu dân cư trong toàn vùng, làm giảm bớt áp lực của dòng người nhập cư vào TP.HCM là cần thiết, nhưng để biện pháp này khả thi, cần lưu tâm đến kết nối hạ tầng giao thông và xã hội.
“Phải đảm bảo công ăn việc làm cho người dân ở khu vực đó, kèm theo các cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí…, nếu không, dù nhà có rẻ thì cũng không có dân về ở”, ông Châu nói và lấy ví dụ về khu dân cư Vĩnh Lộc B tại huyện Bình Chánh như là điển hình về sự lãng phí khi phát triển nhà ở thiếu hạ tầng xã hội kèm theo.
Trên thực tế, chuyển về vùng ven để phát triển dự án nhà ở cho người thu nhập thấp cũng không phải dễ, bởi khi giãn dân thì lại vướng quy hoạch dân số, mà câu chuyện của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành là một minh chứng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành kể, Công ty đang thực hiện dự án Lê Thành Tân Kiên ở huyện Bình Chánh, TP.HCM với mức giá dự kiến khoảng 17 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dự án đã không thể triển khai từ 3 năm nay chỉ vì vướng chỉ tiêu… dân số.
“Dự án được xây dựng trên khu đất 2,5 ha với khoảng 3.200 hộ dân, nhưng chỉ tiêu dân số do Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh chỉ duyệt cho 2.000 hộ dân", ông Nghĩa thông tin và cho biết, vì vấn đề này mà dự án nằm bất động suốt 3 năm nay, trong khi nhu cầu sở hữu nhà của người dân là rất lớn”. Do đó, để phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp thì buộc phải tăng quy hoạch dân số, nếu không doanh nghiệp làm dự án sẽ không có lãi.
Trần Anh Group, đơn vị đang triển khai dự án nhà ở giá rẻ trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với quy mô 400 căn hộ chung cư, diện tích hơn 30 m2/căn, giá chỉ khoảng 200 triệu đồng/căn, lại vướng một vấn đề khác.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi mở bán, toàn bộ số căn hộ của dự án này đã được khách hàng đặt mua hết. Tuy nhiên, trái ngược với tốc độ bán hàng nhanh chóng là khoản lỗ hàng chục tỷ đồng. Lý giải về việc thu không đủ chi, lãnh đạo Trần Anh Group cho biết, nguyên nhân chính xuất phát từ các quy định về điều kiện bàn giao nhà cho khách hàng.
Chẳng hạn, dự án nhà ở giá rẻ chỉ có 5 tầng, nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của dự án nhà ở cao tầng. Hay như các chỉ tiêu chung về nhà xe, tiện ích, mật độ dân số, mật độ xây dựng, hệ thống điện… cũng đều áp theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại vốn được bán với giá cao.
Trở lại với câu chuyện của Công ty Lê Thành, khi được hỏi vì sao doanh nghiệp làm được dự án nhà ở giá rẻ tại Bình Dương mà không làm được ở các tỉnh khác, ông Lê Hữu Nghĩa phân trần, do khi giao đất cho doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương không tính bất cứ khoản tiền đất nào, công việc san lấp mặt bằng và hạ tầng bên ngoài cũng được tỉnh làm sẵn nên gặp nhiều thuận lợi. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành phố như Long An, TP.HCM…, giá đất được tính như nhà ở thương mại nên rất khó để phát triển dự án nhà ở giá thấp.
“Muốn thị trường có nhà thương mại giá rẻ thì cần có nhiều hơn sự hỗ trợ từ Nhà nước, bởi chỉ có Nhà nước mới làm được công tác quy hoạch, đền bù, tạo ra được quỹ đất tốt nhất với mức giá hợp lý nhất để doanh nghiệp làm dự án, chứ doanh nghiệp không thể mua mảnh đất với giá cao rồi đem làm nhà bán với giá thấp được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn – Theo ĐTCK