Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng sổ đỏ giả để chiếm đoạt tài sản khiến người dân và ngân hàng, lo lắng trước nguy cơ mua phải nhà… giả.
Những vụ lừa đảo bị phát hiện gần đây với thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả để chiếm đoạt tài sản khiến người dân và các DN, trong đó có ngân hàng, lo lắng trước nguy cơ mua phải nhà… giả.
Sổ đỏ giả qua mặt công chứng viên
Thời gian gần đây, cơ quan điều tra đã phát hiện một số vụ làm giả sổ đỏ giả để lừa đảo. Đơn cử như vụ Nguyễn Thị Bằng An (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) sử dụng nhiều sổ đỏ giả, bán một căn nhà cho nhiều người khác nhau. Chỉ với 4 bị hại ban đầu, An đã thu lợi bất chính gần 20 tỷ đồng. Điều đáng nói là, hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng, song văn phòng công chứng không phát hiện được. Theo cơ quan điều tra, những sổ đỏ giả này được làm trên phôi sổ đỏ thật nên rất khó phát hiện nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Bên cạnh đó, thông tin về vụ mất trộm 500 phôi sổ đỏ ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) càng khiến dư luận lo ngại về việc một lượng không ít sổ đỏ giả lưu hành ngoài xã hội.
Sổ đỏ giả làm từ phôi thật qua mặt được cả công chứng viên
Ngoài việc sử dụng sổ đỏ giả hoàn toàn, nhiều đối tượng khác sử dụng sổ đỏ thật nhưng thêm thông tin giả như thông tin về chuyển nhượng, loại hình đất… để lừa đảo. TAND TP. Hà Nội mới đây đưa ra xét xử vụ Nghiêm Thị Viết (Đông Anh, Hà Nội) đã sử dụng sổ đỏ thật của người khác và giả mạo thông tin về chuyển nhượng, làm giả các hợp đồng chuyển nhượng để chiếm đoạt 9 tỷ đồng tiêu xài cá nhân.
Ngay cả hợp đồng chuyển nhượng đã được các văn phòng công chứng chứng thực mà không hề phát hiện ra tình trạng giả mạo, khiến người dân tham gia giao dịch mua bán nhà đất không khỏi lo lắng. Vậy hiện nay, việc in ấn, phát hành và sử dụng phôi sổ đỏ được quản lý như thế nào?
Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, cơ quan này được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ in ấn, phát hành phôi sổ đỏ. Cuối mỗi năm, các sở tài nguyên và môi trường sẽ phải làm báo cáo dự kiến số lượng phôi sổ cần sử dụng cho năm tới, cân đối số phôi sổ còn dư và đăng ký số lượng phôi sổ cần mua. Dựa trên số lượng đăng ký của các sở, Cục đăng ký thông kê lập kế hoạch in ấn, ký kết hợp đồng và phát hành cho các sở và các phòng tài nguyên và môi trường. Các phôi này được in sẵn sêri và các sở sau khi nhận về phải lập sổ sách theo dõi, quản lý toàn bộ quá trình sử dụng, như ghi nhận phôi phát về tỉnh có những sêri nào, sử dụng đến đâu, ở địa phương nào, phần nào hư hỏng phải tổ chức hủy.
Từ năm 2009 đến nay, khi sử dụng mẫu giấy chứng nhận mới, Cục Đăng ký thống kê đã in trên 8 triệu phôi sổ, tuy nhiên chưa có con số thống kê về số lượng phôi sổ đã sử dụng. Ông Phi cũng cho biết, từ trước đến nay, trên cả nước, tổng cộng đã cấp 35 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Phi, quy trình in ấn, phát hành đã được thực hiện chặt chẽ, đơn vị nào để lọt phôi sổ đỏ ra ngoài thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trình tự, thủ tục, phát hành là chặt chẽ, song kiểm soát in ấn phôi sổ đỏ không chặt chẽ bằng tin tiền, do đó không loại trừ nguy cơ lọt phôi sổ đỏ ra ngoài. Kẽ hở lớn nhất hiện nay là việc quản lý, bảo quản ở các đơn vị sử dụng thuộc các sở và phòng tài nguyên và môi trường.
Theo ông Võ, để hạn chế thấp nhất rủi ro lọt phôi sổ đỏ ra ngoài thì phải quản lý tốt từ các khâu in ấn, quản lý ở kho phát hành, quản lý ở kho nhập về.
Công bố thông tin để hạn chế rủi ro cho người dân
Về phía người dân, theo ông Trần Hùng Phi, để phòng tránh rủi ro mua phải nhà đất có sổ đỏ giả, người dân tốt nhất là đến cơ quan nhà nước, ở đây là các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở tỉnh, thành phố, quận, huyện làm thủ tục theo đúng quy định. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra giấy tờ gốc và cơ bản phát hiện được nếu đó là giấy tờ giả mạo.
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ, khi xảy ra sự cố mất phôi sổ đỏ thì cần phải thông báo rộng rãi để người dân có nhu cầu mua bán dễ dàng tra cứu thông tin. Cách đơn giản nhất là có thể dán thông báo ở ngay các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, trong đó liệt kê các sêri bị mất, như vậy, người dân tham gia giao dịch chỉ cần so sánh, đối chiếu là biết sổ đỏ mà họ chuẩn bị giao dịch có thật hay không, văn phòng đăng ký cũng đỡ mất thời gian tra cứu, trả lời người dân.
Trong trường hợp giao dịch đã được văn phòng công chứng chứng thực mà không phát hiện ra sổ đỏ giả thì là do văn phòng công chứng đã không liên hệ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để thẩm định, xác minh. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất yêu cầu hợp đồng phải được công chứng chứng thực, ở đây chứng thực cả về nội dung và hình thức, tức là phải chứng thực giao dịch hợp pháp, kiểm tra bên bán có giấy tờ sở hữu hợp pháp hay không. Nếu văn phòng công chứng đã chứng thực cho giao dịch mà sau đó phát hiện ra sổ đỏ giả thì văn phòng công chứng phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Võ cũng đặt vấn đề xem xét lại vai trò của cơ chế công chứng đối với thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liệu có đảm bảo an toàn giao dịch cho người dân hay không. “Theo tôi, hợp đồng chuyển nhượng đất đai chỉ cần đăng ký ở văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là đủ. Con dấu và chữ ký của người có trách nhiệm thuộc các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chứng tỏ giao dịch này đã được đăng ký và hợp pháp”, ông Võ kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán