Shophouse được xem là kênh đầu tư hái ra tiền, nhưng cũng không ít nhà đầu tư méo mặt vì tỷ suất sinh lời thấp so với số vốn bỏ ra ban đầu.
Loại hình Shophouse rất hút khách thời gian gần đây - Ảnh minh họa
Thời điểm năm 2017, shophouse nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên thị trường bất động sản, trở thành sản phẩm được nhiều nhà đầu tư săn tìm, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố du lịch nổi tiếng.
Theo khảo sát, tại Hà Nội, nhà đầu tư muốn sở hữu một căn shophouse thường phải chi từ hơn 10 tỷ đồng đến hơn 20 tỷ đồng/căn, tuỳ diện tích. Đơn cử như một dự án tại đường Nguyễn Cơ Thạch (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm), căn diện tích 94m2 có giá 14 tỷ đồng và căn 154m2 có giá 22 tỷ đồng. Khi dự án chưa hoàn thiện thì hơn 100 căn đã có chủ.
Shophouse tại TP.HCM cũng không “kém cạnh” ở Hà Nội, khi các dự án tại một số quận trung tâm có giá từ 15-25 tỷ đồng, tùy diện tích và vị trí. Thế nhưng, căn shophouse nào ra hàng cũng đều nhanh chóng hết.
Còn tại Đà Nẵng, trên một số kênh mua bán nhà đất, giá mỗi căn shophouse khá đa dạng, dao động 2,5 - 12 tỷ đồng/căn tuỳ vị trí. Thậm chí, có dự án shophouse tại quận Liên Chiểu được rao bán với giá hơn 21 tỷ đồng/căn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội, cho biết, hiện nay, hầu hết các dự án nhà ở trên toàn thị trường Việt Nam đều có xu hướng tối đa hóa sản phẩm shophouse, bởi mô hình này được khách hàng khá ưa chuộng với ưu điểm chính là tiềm năng thương mại cũng như quy mô đầu tư.
Vốn dĩ shophouse được ưa chuộng bởi tâm lý nhà đầu tư Việt Nam thường muốn đầu tư vào nhà đất hơn là căn hộ hay condotel. Hơn nữa, shophouse là loại hình vừa ở, vừa kinh doanh được nên rất dễ để cho thuê lại.
Tuy nhiên, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE, cho rằng bên cạnh tính ưu việt của shophouse thì sau một thời gian đi vào hoạt động, nhiều nhà đầu tư phải ôm “trái đắng” khi nhận thấy tỷ suất sinh lời thấp, không tương xứng với số vốn khủng mà họ bỏ ra ban đầu.
Chị Ngọc Anh, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, chị bỏ ra 10 tỷ đồng để đầu tư 1 căn shophouse tại Hà Đông (Hà Nội). Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn thưa thớt dân cư, nên rao bán cả năm nay không có người mua. Không bán được, chị Ngọc Anh quyết định bỏ thêm 500 triệu đồng sửa sang, hoàn thiện để cho thuê. Nhưng vì khu dân cư thưa thớt nên giá thuê cũng chỉ ở mức 25 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, với số tiền trên, nếu chị Ngọc Anh gửi tiết kiệm, số tiền lãi hàng tháng cũng khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Tương tư như chị Ngọc Anh, nhiều nhà đầu tư cũng mắc kẹt trong khâu cho thuê do thị trường khu vực đó không có nhu cầu, trường hợp khách có nhu cầu thì giá thuê mặt bằng lại quá cao.
Một dự án shophouse khác tại phố Nguyễn Chánh có giá chào bán tới 40 tỷ đồng nhưng chào thuê chỉ 70 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều lãi suất gửi ngân hàng.
Giới kinh doanh bất động sản đánh giá không phải dự án shophouse nào khi mở bán cũng sẽ thành công, nhất là các dự án xa trung tâm do khoảng cách và thiếu nhiều tiện ích so với khu vực trung tâm. Chỉ những dự án sở hữu vị trí đắc địa, cũng như có tiềm năng tăng giá mạnh mới có thể hấp dẫn được khách hàng.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group, cho rằng trong lĩnh vực đầu tư bao giờ cũng có hai chiều, khi nóng lên đủ sẽ phải hạ nhiệt. Đối với shophouse, sau một thời gian khá nóng, phân khúc BĐS thương mại đạt được quy mô nhất định, nên có sự chững lại.
Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử đã làm cho shophouse truyền thống mất dần vị thế. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia phát triển thương mại điện tử nhanh nhất trên toàn cầu.
Hiện nay, nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, số người sử dụng smartphone và thương mại điện tử ước tính lên đến trên 33 triệu người.
“Trong số 33 triệu người này đã từng ít nhất một lần mua bán trên thương mại điện tử. Đây là một trong những yếu tố khiến shophouse truyền thống giảm sự hấp dẫn”, ông Hưng chia sẻ.
Nhận định về sự phát triển thời gian tới, ông Hưng cho rằng shophouse phải đi theo sự phát triển của đô thị, nếu shophouse được xây dựng ở những vùng chưa phát triển sẽ rất khó khăn. Do đó, khi đầu tư phải nhìn dài hơi hơn, nếu mua shophouse ở vùng mới thì phải có thời gian chờ đợi.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC