Nhà đầu tư thứ cấp: Trả giá đắt cho hợp đồng góp vốn

Cập nhật 09/11/2012 09:30

Dự án AZ Vân Canh Towers có tiến độ thi công rất chậm

“Lách luật” với hy vọng mua được căn hộ với giá hời khi thị trường bất động sản “nóng”, nhà đầu tư thứ cấp đang phải trả giá đắt cho các bản hợp đồng góp vốn.


Trong năm nay, hàng chục nhà đầu tư cá nhân, khách mua nhà đã thường xuyên tập trung tại số 58 Trần Thái Tông, “đại bản doanh” của Công ty cổ phần Bất động sản AZ Land, chủ đầu tư Dự án AZ Vân Canh Towers (còn có tên khác là CT1 Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án hoặc trả lại vốn góp cho họ, nếu không có khả năng tiếp tục triển khai Dự án.

Dự án AZ Vân Canh Towers được AZ Land huy động vốn từ giữa năm 2010 và kéo dài đến giữa năm 2011, với số tiền ước tính hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thi công lại diễn ra vô cùng chậm chạp (đến thời điểm hiện tại, Dự án vẫn chưa hoàn thành phần móng) khiến người mua nhà hết sức bất bình và lo âu.

Đáp lại yêu cầu của các khách hàng, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AZ Land lại có thái độ “bình chân như vại”, bởi lẽ hầu hết các hợp đồng “mua bán căn hộ hình thành trong tương lai” đều được AZ Land thực hiện dưới các hình thức hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng vay vốn với các điều khoản về lãi suất vốn vay, tiến độ giải ngân, tất toán hợp đồng… đều theo hướng có lợi cho “người vay”. Nếu đòi lại vốn góp, người góp vốn phải đối mặt, với nhiều điều khoản bất lợi về lãi suất huy động, tiền phạt hợp đồng và đặc biệt là khoản tiền “chênh lệch” mà họ phải trả cho đối tượng môi giới ký kết hợp đồng. Khoản tiền “chênh” không có bất kỳ hoá đơn, giấy tờ nào, nên nếu rút vốn, khách hàng sẽ mất trắng.

Được biết, AZ Land còn cầm nhiều tỷ đồng vốn góp của các nhà đầu tư thứ cấp, khách mua nhà tại các dự án khác, như CT2 Vân Canh, AZ Lâm Viên Complex (Cầu Giấy, Hà Nội), AZ Sky Tower (Hoàng Mai, Hà Nội)… cũng do Công ty này làm chủ đầu tư, mà người góp vốn đang phải im lặng “ngậm đắng, nuốt cay”.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Dự án Chung cư Hanoi Time Tower (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR), có trụ sở tại số 18 Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Khoản tiền mà PVCR đã thu của khách hàng lên đến hàng chục tỷ đồng, tương đương với 15% đến 70% giá trị căn hộ (tuỳ theo từng hợp đồng góp vốn của khách hàng), nhưng đến thời điểm hiện tại, Dự án vẫn chưa thi công xong phần hầm và móng.

Nhiều nhà đầu tư thứ cấp đang “mắc cạn” tại Dự án này vẫn chưa tìm ra phương thức nào để buộc chủ đầu trả lại khoản tiền đã góp.

Chung một “kịch bản”, hàng chục khách mua nhà cũng đang đứng ngồi không yên khi đã trót bỏ tiền vào Dự án Chung cư số 409, Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư. Dự án được chủ đầu tư huy động vốn từ cuối năm 2009 đến nay vẫn hoàn toàn “bất động”. Tệ hại hơn, khách hàng còn không thể liên lạc được với lãnh đạo của Công ty TNHH Kinh doanh Nhà Vĩnh Hưng để “tìm hiểu số phận” của đồng vốn đã bỏ vào Dự án, trong khi toà nhà mà họ bỏ tiền đầu tư cũng mới chỉ tồn tại trên... bản vẽ.

Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có hàng chục vụ kiện tụng giữa người góp vốn mua nhà ở với các chủ đầu tư, nhưng rất ít người có may mắn đòi lại được vốn góp và số vụ việc có thể đưa ra toà án phân xử lại càng ít hơn.

Một thẩm phán Toà Kinh tế, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội (từng có nhiều năm kinh nghiệm phân xử các vụ án kiện tụng của doanh nghiệp) cho biết, nguyên nhân chính là do tính chất của các hợp đồng góp vốn này là các thoả thuận dân sự giữa hai bên cùng đầu tư làm ăn. Việc các nhà đầu tư thứ cấp (bản chất là người mua nhà) khởi kiện chủ đầu tư để đòi lại vốn góp, khi dự án gặp khó khăn cần phải được xem xét một cách thấu đáo, tuỳ theo tính chất của từng dự án. Nguyên tắc chung của các thoả thuận này là lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu.

Theo vị thẩm phán này, thì đa số các vụ việc trên được xử lý theo hướng DN sẽ làm thủ tục phá sản hoặc bị toà tuyên bố phá sản. “Quyền lợi của các bên liên quan, trong đó có các nhà đầu tư thứ cấp được xem xét phân chia theo tỷ lệ vốn góp. Trong quá trình đó, người góp vốn được xem xét với tư cách của một cổ đông, chứ không phải là một chủ nợ”, vị thẩm phán này nói. Rõ ràng, trong bất cứ trường hợp nào, nhà đầu tư thứ cấp vẫn nắm chắc phần thiệt.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư