Nhà đầu tư quan ngại vì khó tiếp cận quỹ "đất sạch"

Cập nhật 09/06/2008 15:00

Theo ông Đặng Quang, Trưởng phòng cấp cao bộ phận tư vấn chiến lược, dịch vụ tư vấn của tập đoàn Jones Lang LaSalle: Trở ngại lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài đang vấp phải là họ rất khó khăn khi tiếp cận được với quỹ đất "sạch".

"Vướng" nhất là khâu GPMB tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư

* Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS ở Việt Nam?

Cách đây 2 năm, trên bảng xếp hạng, Việt Nam đã được xếp vào nước có chỉ số kém minh bạch nhất thế giới. Tuy nhiên sau hai năm, nay tôi thấy có sự cải tiến đặc biệt trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất. Thông qua việc công khai cho đấu giá quyền sử dụng đất rộng rãi đã góp phần tăng tính minh bạch của thị trường BĐS.

Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực cần phải cải thiện, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư bất động sản.

* Yếu tố nào khiến thị trường BĐS Việt Nam bị kém minh bạch?

Cái "vướng" nhất liên quan đến tính minh bạch chính là ở khâu giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư. Đấy là vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay.

Theo quan sát của chúng tôi, bất kỳ một nhà đầu tư nào khi vào Việt Nam, câu đầu tiên người ta hỏi là: Anh có đất không? Nếu có, thì đất đó đã sạch chưa? Và đây là điều lo lắng nhất của các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cho rằng chính việc không minh bạch đã làm cho việc giải toả gặp khó khăn, đầu tư chậm lại. Các nhà đầu tư cũng thường "phàn nàn": Nếu muốn đầu tư vào Việt Nam, phải rất kiên trì mới có thể thực hiện được dự án.

Thắt chặt tín dụng sẽ giúp thanh lọc thị trường

* Ông nghĩ thế nào trước nhận định của giới chuyên môn rằng "bong bóng" BĐS đang nổ, bằng chứng là giá chung cư đã giảm xuống tới 20 - 40%?

Thời gian này Việt Nam sử dụng từ bong bóng là hơi quá. Nói chính xác hơn là thị trường BĐS có phát triển "nóng" hơn so với trình độ hấp thu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mới đây là một biện pháp tương đối đúng đắn làm giảm sự phát triển quá nóng của thị trường BĐS. Việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường và người dân có quyền mua được những ngôi nhà hợp với túi tiền của mình hơn.

* Ông dự báo tới đây thị trường căn hộ chung cư sẽ phát triển như thế nào?

Chung cư thì vẫn phát triển bình thường vì nhu cầu vẫn rất lớn trong dân chúng, đặc biệt là vừa qua Hà Nội đã được mở rộng gấp 3 lần. Tuy nhiên, phải có những sản phẩm thực sự phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở của dân. Và bây giờ, các nhà đầu tư phải ngồi lại để làm lại chiến lược phát triển sản phẩm của mình.

* Năm ngoái Ngân hàng Nhà nước có công bố tỷ lệ dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần từ 38% trở lên. Năm nay với chính sách thắt chặt tín dụng cho vay BĐS và khống chế ở mức 30%, theo ông, sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS thời gian tới?

Rõ ràng bây giờ là các khoản vay trong thị trường BĐS bị thắt chặt, nhưng tôi nghĩ đây là một quyết định hết sức cần thiết tránh sự đổ vỡ của các ngân hàng vì phụ thuộc vào BĐS nhiều quá. Chắc chắn các dự án hiện nay sẽ rất khó tìm được nguồn vay so với trước và hiện nay, ngân hàng sẽ yêu cầu các dự án có chất lượng đầu tư tốt hơn trước trước khi họ cho vay. Điều đó sẽ giúp thanh lọc thị trường, vì chỉ có những nhà đầu tư thực sự mới đáp ứng được và như thế thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Khi chuẩn bị thực hiện một dự án đầu tư, chúng tôi cũng đã phải quan sát rất kỹ lưỡng về các thủ tục pháp lý. Vì vấn đề đền bù giải toả là hết sức nhạy cảm, làm sao để cho DN có thể thoả thuận với tất cả người dân, nếu như không có sự tham gia của chính quyền địa phương.

Mặc dù thủ tục cũng có nhiều cải tiến song hiện tại xu hướng của các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam, bước đầu tiên là họ cố gắng tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước đủ khả năng và đủ độ tin cậy để giúp người ta hoàn thiện thủ tục pháp lý. Không ai hiểu các chính sách và thủ tục bằng chính các công ty tư vấn trong nước.


Theo VTC News