Chương trình phát triển nhà ở được xã hội hưởng ứng tích cực, nhưng thực tế hiện nay các nhà đầu tư rất khó tiếp cận với các chính sách ưu đãi.
“Giai đoạn 2011 - 2015, nhà ở vẫn là một trong năm chương trình trọng điểm của TP vì đây là một chương trình tổng hợp, lồng ghép nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội của TP”. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định điều này tại hội nghị tổng kết chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2006 - 2010, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2011 - 2015 được tổ chức ngày 17-6.
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Như trong số báo ra ngày 17-6 chúng tôi đã đề cập, những cố gắng, nỗ lực của TP để tạo quỹ nhà ở trong 5 năm qua đã đem đến kết quả khá ấn tượng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở cũng như an sinh xã hội cho người dân TP. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng không ngừng về dân số, TPHCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), so sánh: Tốc độ phát triển của TPHCM đứng đầu cả nước nhưng bình quân diện tích nhà ở 14,3 m2/người như hiện nay chỉ tương đương mức trung bình cả nước, thấp hơn nhiều địa phương. Bên cạnh đó, 20% dân số TP có diện tích nhà ở dưới 10 m2/người và còn 5,5% dân số dưới 5 m2/người, chưa kể số lượng lớn người dân đang phải thuê nhà với giá khá cao. Ông Hà góp ý: “Bên cạnh những chính sách phát triển nhà ở, TPHCM cần quan tâm đến việc đồng bộ cơ sở hạ tầng, nếu hạ tầng tốt thì dù cho ngoại thành, không cần khuyến khích, người dân vẫn tự nguyện “dãn” ra sinh sống, bớt áp lực cho trung tâm TP”. Ông Hà cho biết thêm trong tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó hai địa phương được chú trọng là Hà Nội và TPHCM.
Một xóm nhà ven kênh ở nội thành. Từ nay đến năm 2015, TPHCM sẽ tái định cư cho 130.000 hộ dân sống ven kênh rạch. Ảnh: Tấn Thạnh |
Hệ thống kênh rạch chằng chịt là điểm nổi bật và lợi thế nhưng đây cũng là khó khăn đáng kể của TP khi có quá nhiều nhà lụp xụp ven kênh rạch. Mục tiêu của TP giai đoạn 2006 - 2010 phải di dời được 15.000 (trong tổng số 24.000 căn cần di dời) căn nhà lụp xụp ven kênh rạch, tuy nhiên đến nay mới chỉ hoàn thành 53% khối lượng công việc. Theo UBND TPHCM, đây là công việc hết sức khó khăn vì đa số người dân đều nghèo, phần giá trị bồi thường rất thấp, khi tái định cư phần lớn phải mua nhà trả góp nên chi phí đầu tư xây dựng hoặc mua quỹ nhà tái định cư bị chậm thu hồi vốn mà ngân sách TP giai đoạn này lại không thể cân đối đủ vốn. Kinh phí hiện nay chỉ có thể trông đợi vào viện trợ nước ngoài và các chủ đầu tư nhưng chọn được chủ đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm thì còn hạn chế.
Cần chính sách cụ thể
Đa số đại biểu tham dự hội nghị đều “than phiền” về chính sách trong lĩnh vực nhà ở. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN, dẫn chứng: Chương trình nhà lưu trú công nhân được xã hội hưởng ứng tích cực nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với chính sách ưu đãi để xây nhà lưu trú. “Vay vốn tín dụng hiện nay chỉ được 7 năm, trong khi 1 dự án xây nhà lưu trú, thu hồi vốn cần 15-20 năm, chưa kể vay tín dụng hiện nay rất khó do dự án xây nhà lưu trú được thẩm định là dự án không hiệu quả (làm cho công nhân, giá rẻ…) nên thực tế thời gian qua chỉ 1-2 dự án vay được vốn tín dụng”- ông Hòa nói.
Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết LĐLĐ cũng đang là chủ đầu tư hai khu lưu trú công nhân và vay vốn kích cầu mới được giải ngân gần đây nhưng mỗi tháng phải đóng 300 triệu đồng trả lãi vốn kích cầu, trong khi hai dự án này đều thu hồi vốn chậm. “Bên cạnh đó, do xây dựng ngoài KCX-KCN nên chúng tôi vẫn phải nộp tiền sử dụng đất chứ không được miễn như các dự án xây nhà lưu trú”- ông Danh nói.
Một thực tế hiện nay là quỹ đất sạch gần các KCX-KCN không còn nhiều, bên cạnh đó có nhiều doanh nghiệp bên ngoài KCX-KCN sử dụng lượng lao động lớn, vì thế các doanh nghiệp này cũng nên được hưởng những ưu đãi để khuyến khích họ xây dựng nhà lưu trú. Liên quan đến chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, ông Lê Hoàng Châu, nhận định thị trường bất động sản TP hiện nay còn tiềm năng lớn, vốn chính là người tín dụng và huy động vốn nhưng với chính sách hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư lại không tiếp cận được vốn vay. Vì thế trong thời gian tới, TPHCM cần kiến nghị Chính phủ hoàn thiện một số văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá, nhà thu nhập thấp, tái định cư…
4.695 căn nhà ở xã hội
Theo kế hoạch, TPHCM phấn đấu đến năm 2015 sẽ xây dựng được 39 triệu m2 sàn diện tích nhà ở, bình quân 17 m2/người, nâng tỉ lệ nhà ở kiên cố lên 75%, cơ bản xóa nhà đơn sơ, dột nát. Tiếp tục di dời, tháo dỡ khoảng 30 chung cư xuống cấp (khoảng 6.531 căn hộ) và tái định cư 130.000 hộ dân sống ven kênh rạch của TP. Bên cạnh đó, TP tiếp tục xây dựng 4.695 căn nhà ở xã hội, 10.000 căn nhà ở thu nhập thấp, đáp ứng 67.700 chỗ ở cho công nhân và 80.000 chỗ ở ký túc xá sinh viên.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động