Nhiều nhà đầu tư ôm bất động sản để lướt sóng đã phải ngậm trái đắng khi thị trường liên tiếp trải qua 2 đợt bùng phát dịch COVID-19.
Nhiều nhà đầu tư mắc kẹt vì COVID-19. (Ảnh minh họa)
Bà Trần Thị Huệ (Hà Nội) chia sẻ, trong rổ hàng bị chôn vốn của bà hiện còn 2 căn hộ ở Bắc Ninh, 1 căn nhà phố tại Quảng Ninh và 2 lô đất nền ở Bắc Giang.
2 căn hộ ở Bắc Ninh giá khoảng 2 tỷ đồng, đã đóng 70%, đang xây dựng và đóng tiền theo tiến độ. Nhưng vì khó khăn tài chính nên bà đã rao bán 7 tháng nay song không ai mua dù bà đã bán giá gốc. Do không xả được hàng nên cứ 3 -4 tháng, bà Huệ lại phải chật vật lo chạy tiền đóng theo tiến độ dự án.
Trong khi đó, căn nhà phố tại Quảng Ninh có giá hơn 5 tỷ đồng, bà đã thanh toán 50% nhưng hiện dự án này đang chậm tiến độ nên đã chào bán nửa năm nay vẫn không có ai mua.
Còn 2 lô đất nền tại Bắc Giang, mỗi lô có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, bà Huệ đã đóng 50% mỗi lô, dù bán giá gốc nhưng cũng không có người mua.
“Do dịch bệnh nên thị trường đóng băng, các căn hộ của tôi không thể giao dịch được. Nếu không có khách mua, cứ đà này, 3 tháng nữa tôi phải xoay hơn 1 tỷ đồng mới có thể đóng theo đúng tiến độ được. Vốn cạn kiệt tôi đang không biết xoay sở bằng cách nào, chỉ mong bán được, dù phải lỗ”, bà Huệ chia sẻ.
Bà Huệ càng lo lắng hơn khi COVID-19 tái bùng phát sau một thời gian ngắn im ắng. Theo bà, cơ hội xả hàng của bà càng ít đi, nhiều mối mới liên hệ với bà đã lập tức dừng ý định mua đất sau khi dịch bệnh quay lại. Phần lớn đều lấy lý do tiết kiệm chi tiêu khi tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Giống như bà Huệ, chị Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đang đau đầu khi mắc kẹt tại 1 dự án ở Gia Lâm (Hà Nội).
Chị Hà cho biết, chị không lường trước được tình hình dịch diễn biến kéo dài như hiện nay nên chị đã đầu tư 4 lô đất nền tại 1 dự án ở Gia Lâm. 2 trong số 4 lô đã sang tay khách mới khi dịch COVID-19 được kiểm soát từ tháng 4 đến tháng 7. Nhưng 2 lô còn lại chị đã rao bán 4 tháng nay vẫn chưa có người mua.
Chị Hà chia sẻ, mỗi lô đất nền tại dự án này có giá 3,8 - 4 tỷ đồng/lô, hiện chị mới đóng 30%, còn nửa tháng nữa sẽ đóng tiếp đợt tiếp theo là 30%, tương đương với gần 2,4 tỷ đồng.
“Dịch bệnh bùng phát trở lại thế này, không biết bao giờ tôi mới có thể thoát được hàng. Nếu không bán được, tôi không biết lấy tiền đâu để đóng vào 2 lô còn lại kia”, chị Hà lo lắng nói.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho rằng, đây không phải là thời điểm khách hàng mua bất động sản "lướt sóng" có lãi.
Đối với đất nền, theo ông Hưng, trong trường hợp nhà đầu tư không thoát được hàng thì cần bình tĩnh. Bởi đầu tư đất nền phải dài hạn, khi xong hạ tầng, dân cư đến ở thì mới có hiệu quả. Vì vậy, nhà đầu tư đất nền phải xác định đầu tư dài hạn, không bị áp lực tài chính.
Đồng quan điểm, ông Dương Đức Hiển, chuyên gia bất động sản nhìn nhận, câu chuyện đầu tư mua nhà "lướt sóng" xảy ra cách đây 10 - 15 năm trước, đó là giai đoạn đầu tiên của bất động sản. Ngày nay, thị trường phát triển nhanh, minh bạch, hầu như đều có khung giá chuẩn, sản phẩm bất động sản phải nhìn đầu tư trung hạn và dài hạn.
“Riêng về đầu tư chung cư, nếu đầu tư "lướt sóng" thì thận trọng, còn đầu tư cho thuê thì phải học cách... đầu tư”, ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, đầu tư bất động sản không thể "lướt sóng" được, nhất là đất nền các tỉnh. Còn đất nền biệt thự nghỉ dưỡng, là kênh đầu tư tốt nhất nhưng phải hướng đến trung và dài hạn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giải pháp cho các nhà đầu tư "lướt sóng" đang mắc kẹt lúc này là cơ cấu lại nguồn vốn và nợ ở mức hợp lý. Tránh sử dụng đòn cân nợ (tỷ lệ nợ trên tổng tài sản) lớn; đòn cân nợ lý tưởng ở mức 30%.
Ngoài ra, các nhà đầu tư "lướt sóng" nếu lỡ mắc kẹt có thể tiến hành các bước đàm phán giãn, hoãn giảm nợ hoặc miễn nợ nếu xét thấy vẫn còn cơ hội giữ lại tài sản.
Bước cuối cùng, dù đắt hay rẻ, nếu phải sử dụng nợ vay lớn, nhà đầu tư vốn nhỏ phải mạnh dạn bán tài sản để trả nợ, tránh tình trạng mất thanh khoản dẫn đến phá sản, thua lỗ nặng hơn.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC