Sau hơn 1 năm được nhiều sở ngành, quận huyện, doanh nghiệp góp ý rất nhiều lần, dự thảo quy định diện tích tối thiểu được tách thửa tiếp tục được trình lên UBND TP.HCM. Một thay đổi so với những lần trước là diện tích tối thiểu được tách thửa là 36 m2. Dù vậy, quyết định cuối cùng vẫn chưa được ký.
Nhà đầu tư đất nền vẫn phải chờ đợi
|
Ngoài những nền đất riêng lẻ trong dân và một số dự án phân lô hộ lẻ còn hàng mua đi bán lại thì hầu như thị trường TP.HCM không có dự án mới quy mô lớn nào được công bố ra thị trường. Nguồn hàng đất nền chủ yếu đến từ các dự án cũ.
Đất nền khan hiếm nguồn cung
Thị trường đất nền hướng Đông có Q.9, Q.Thủ Đức có mức giá khá cao, trung bình 15-30 triệu đồng/m2 vẫn chứng kiến nhiều giao dịch, song nguồn cung rất hiếm chủ yếu đến từ các dự án cũ hoặc đất riêng lẻ. Tại Q.Thủ Đức có duy nhất một dự án mới là Thăng Long Home Hưng Phú.
Phía tây của TP.HCM như Bình Tân, Tân Phú thị trường đất nền cũng hạn chế về nguồn cung, với mức giá cạnh tranh nhất 15-35 triệu đồng/m2. Nguyên nhân giá đất khu Tây đang nhích lên bởi đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng. Khi tuyến đường trọng yếu tỉnh lộ 10 hoàn thiện và khai thông, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa và Tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương rục rịch triển khai.
Hướng Nam với các nền đất ở quận 7 và xa hơn là Nhà Bè ghi nhận giao dịch mạnh song nguồn cung đất nền không nhiều. Hoạt động dân cư và thương mại khu Nam được đánh giá là khá sầm uất và trải rộng nhờ vào sự phát triển của đô thị Phú Mỹ Hưng, trong khi đó quỹ đất thổ cư ngày càng hạn chế và TP.HCM cũng đang dần hạn chế phát triển về phía nam. Thị trường đất nền nơi đây chắc chắn sẽ gia tăng giá trị chóng mặt trong tương lai.
Chờ quy định mới
Thị trường đất nền khan hiếm dẫn đến giá cả tăng, nhiều nhà đầu tư cho biết họ đang nóng ruột ngóng chờ quyết định mới sớm được ban hành để hoàn thiện pháp lý dự án mình đang ấp ủ tung ra thị trường.
“Nhiều lô đất 1.000 m2 đang muốn tách thửa để bán song chưa có quy định cụ thể nên chúng tôi vẫn phải chờ đợi” - một chủ đất ở khu Nhà Bè nói.
Cho đến nay đã hơn một năm lấy ý kiến góp ý về các thay đổi cho Quyết định 33 về tách thửa song dự thảo mới vẫn chưa chính thức ban hành. Đánh giá về điều này nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng chính quyền TP.HCM thận trọng là cần thiết. Bởi một nơi có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học rất cao như TP.HCM nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn tới hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông và quy hoạch, bài học về sự biến tướng của Quyết định 33 là rất lớn.
Ngày 8/11 vừa qua, dự thảo tiếp tục được Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM trình lãnh đạo thành phố phương án mới về diện tích tách thửa tối thiểu. Theo đó, ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, diện tích tối thiểu là 80 m² sau khi tách thửa. Ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, diện tích tối thiểu là 36 m² sau khi tách thửa.
Phương án này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là đáp ứng nhu cầu thực đối với gia đình đông người muốn tách thửa cho con ra riêng. Nhà đất có diện tích nhỏ thì số tiền chi trả mua nhà đất sẽ ít hơn, nên người thu nhập trung bình có thể tạo lập được chỗ ở.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia địa ốc, điều cần điều chỉnh hiện nay là giá cả. Thực tế giá đất, giá căn hộ quá cao so với giá thực. Rất bất hợp lý khi giá căn hộ quận ven vẫn giữ mức 20-30 triệu đồng/m², giá đất nền cũng 30 triệu đồng/m², trong khi giá sàn xây dựng căn hộ chỉ chừng 3,5 triệu đồng/m². Như vậy, để người thu nhập trung bình có được chỗ ở, vấn đề đặt ra là đưa giá về gần giá thật chứ không thể bán giá trên trời như hiện nay.
Trở lại với dự thảo về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, tại buổi làm việc với Sở TN-MT, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết lãnh đạo thành phố sẽ sớm thông qua dự thảo quyết định này sau khi chỉnh sửa và thống nhất lần cuối. Tuy nhiên, thời gian cụ thể vẫn chưa có. Như vậy, thị trường đất nền vẫn đang phải nằm trong trạng thái chờ đợi.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Tiêu dùng