Nhà đầu tư chung cư xin khai thác tàu buýt đường sông

Cập nhật 27/01/2010 08:55

Một xu hướng mới trong kinh doanh chung cư: xin thêm giấy phép kinh doanh đường sông, để đưa người dân đến khu trung tâm bằng tàu buýt, tạo ra độ hấp dẫn của những chung cư nằm bên sông, nhưng xa trung tâm.

Một trong những người tiên phong trong xu hướng này là nhà đầu tư chung cư 4S. Họ đã khảo sát tuyến đường sông từ bến tàu ngay cầu Gò Dưa đi đến bến Bạch Đằng. Thời gian lưu thông mất 20 phút, giá cước cao hơn giá xe buýt 30%. Tuyến này, nhà đầu tư dự tính sẽ đỗ ở bốn bến.

Trong khi đó, sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đang triển khai cho các đơn vị thực hiện dự án trong quy hoạch mạng lưới đường thuỷ và cảng bến khu vực TP.HCM giai đoạn từ nay đến 2020.

Một số dự án được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới như cải tạo, bố trí lại cảng Bạch Đằng phục vụ cho du lịch; di dời giải toả cư dân ven kênh, xây dựng kè chỉnh trang ở kênh Tẻ (quận 4 – quận 7) và kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh); khai thông tuyến đường thuỷ nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua ngả Rạch Chiếc, ngã ba Đèn Đỏ – nhà máy ximăng Hà Tiên 1 qua rạch Giồng Ông Tố; xây dựng bến tàu khách quốc tế 50.000 GRT tại khu vực công viên Phú Thuận (mũi Đèn Đỏ); xây dựng cảng sông mới Nhơn Đức và xây dựng mạng lưới các bến khách tại các trục kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ – kênh Đôi và sông Sài Gòn.

Dự kiến tổng chi phí đầu tư cho các dự án trên khoảng 7.243 tỉ đồng, huy động từ nguồn vốn ngân sách thành phố, các doanh nghiệp và các nguồn vốn tín dụng.

Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020 TP.HCM xác định 87 tuyến đường thuỷ nội địa với tổng chiều dài 574,1km; 16 tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia dài 252km và bảy tuyến hàng hải dài 146,8km.

Ngoài ra, thành phố sẽ quy hoạch lại cảng hàng hoá – hành khách trên tuyến kênh Tẻ; chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức)...


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị