Nhà đất “viết tay” lên giá

Cập nhật 08/03/2017 14:39

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 3/2017 đã có nhiều quy định nới lỏng, hợp thức hóa cho người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay.

Năm 2007, chị Nguyễn Thị Thanh mua căn nhà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội với hình thức viết giấy nhượng quyền sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở. Thế nhưng sau đó, gia đình chị nhiều lần đi làm thủ tục cấp sổ đỏ thì bị vướng, vì nhà đã qua nhiều đời chủ, không thể đi tìm chủ cũ để làm thủ tục sang tên nên đành chịu. “Có nhà mà suốt ngày sợ tranh chấp, căn nhà trị giá vài tỷ đồng thế mà không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng, dù chỉ vài trăm triệu đồng”, chị Thanh chia sẻ.

Nghị định 01 hợp thức hóa cho người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay

Tuy nhiên, với sự tháo gỡ của Nghị định 01/2017/NĐ-CP, những trường hợp như gia đình chị Thanh có cơ hội sở hữu căn nhà của mình một cách chính thức. “Có chủ quyền tài sản, mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, tôi có thể thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng mở rộng kinh doanh. Sống trong nhà cũng không sợ ai kiện tụng, tranh chấp quyền tài sản nữa…”, chị Thanh nói.

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 3/2017 đã có nhiều quy định nới lỏng, hợp thức hóa cho người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay. Theo đó, người dân đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), có giấy tờ về quyền sử dụng đất… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chủ quyền nhà, đất) lần đầu mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, người dân đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho từ trước ngày 1/1/2008, sử dụng đất do nhận thừa kế trước ngày 1/7/2014 (không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất) cũng được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không bị buộc phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được bắt buộc người nhận chuyển nhượng phải nộp các hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định.

Việc bỏ bớt thủ tục chuyển nhượng đối với nhà đất có đầy đủ giấy tờ đã làm giảm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để người dân có cơ hội sở hữu sổ đỏ thực sự. Bởi cũng theo Nghị định 01 thì UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ về hiện trạng sử dụng đất; nếu đất chuyển nhượng trước đó không có giấy tờ quy định tại Điều 100, Luật Đất đai thì xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp; chuẩn bị hồ sơ để trình ký giấy chứng nhận. Trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao (nếu người đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ tại cấp xã).

Bên cạnh đó, Nghị định 01 cũng rút ngắn thời gian của một số thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa là 15 ngày (quy định cũ là 30 ngày). Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản... không quá 10 ngày (quy định cũ không quá 15 ngày). Cấp lại sổ đỏ bị mất không quá 10 ngày (quy định cũ không quá 30 ngày). Thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính còn 10 ngày (quy định cũ 15 ngày).

Ngay khi thông tin nhà đất mua bán bằng giấy tờ viết tay được làm thủ tục cấp sổ đỏ, các căn nhà thuộc diện này đã được “cò đất” săn tìm. Anh Nguyễn Văn Cường (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Mình mua nhà bằng giấy tờ viết tay năm 2006, cũng đã nhiều lần tìm hiểu để làm thủ tục cấp sổ đỏ, thế nhưng luật cũ chỉ áp dụng với các trường hợp mua bán nhà viết tay trước năm 2004. Khi có thông tin Nghị định 01 “gỡ” khó cho những trường hợp như nhà tôi, tôi cũng đã lên phường tìm hiểu và được biết khu chúng tôi ở sẽ được phép làm sổ đỏ.

“Vừa rồi có khá nhiều “cò” đất đến hỏi mua nhà, nhưng tôi không bán. Nếu làm xong sổ đỏ thì mỗi mét vuông cũng phải lên thêm vài triệu đồng nên tôi chờ hoàn thành thủ tục, có giấy chủ quyền rồi mới tính”, anh Cường cho hay.

Theo một số “cò” nhà đất, hiện nay các khu vực được giới này săn tìm nhà viết tay chủ yếu ở các khu vực quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai… Đây là những khu vực phát triển sau, giao dịch nhà đất thường chỉ cách đây ít năm nhưng do luật cũ không quy định việc cấp sổ đỏ cho nhà đất “bán trao tay” được cấp sổ đỏ nên nay nếu hoàn thành thủ tục thì giá sẽ lên rất nhiều. Tuy nhiên, tìm được các căn nhà loại này, gia chủ đồng ý bán cũng không phải dễ. Anh Phong, một “cò” đất cho biết, chỉ cần mua được một căn nhà loại này thì đã có thể kiếm lời vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài tháng.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng