Nhà đất TPHCM và những chiêu kích giá

Cập nhật 31/05/2009 10:14

Diễn biến của thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian qua không có nhiều biến động. Tuy nhiên, giá đất nền trên địa bàn thành phố, đặc biệt là Q.2 trong những ngày cuối tháng 5/2009 tăng liên tục.

Tại một số sàn giao dịch bất động sản (BĐS), đến cuối tháng 5, giá căn hộ tăng nhẹ 1,35%, còn giá đất nền chỉ tăng ở mức 0,93% so với tháng trước.

Theo các chuyên gia, sức ép phải xây dựng nhà mới được chuyển nhượng, nếu không sẽ bị phạt hoặc thu hồi dự án, khiến thị trường BĐS trong tuần qua chứng kiến sự tăng giá tại các khu vực như Q. 2, 7, huyện Nhà Bè… một cách bất thường.



Khu vực Q.2 đang là tâm điểm của nhà đầu tư cũng như giới đầu cơ BĐS.
Ảnh: Ca Hảo


Không cho chuyển nhượng, giá vẫn tăng

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng phòng giao dịch Vinaland Trần Não (Q.2), hiện chủ đầu tư các dự án trên địa bàn quận 2, 7 đã có “tối hậu thư” yêu cầu khách hàng phải xây dựng nhà xong mới được chuyển nhượng, không chuyển nhượng đất trống như trước đây.

“Quy định trên đã thanh lọc hầu hết các nhà đầu tư thứ cấp, hiện chỉ còn những người có nhu cầu thật, mua để ở. Quy định này sẽ tác động rất lớn đến khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu cơ, khiến giá nhà đất giảm nhanh. Song trên thực tế, giá đất vẫn tăng liên tục. Đây là điều khá bất thường.”, ông Lộc phân tích.

Tại khu vực An Phú - An Khánh của Q.2, nếu trong tháng Tư vừa qua giá đất nền ở đây vào khoảng 28 triệu đồng/m2 thì nay giá cũng đã lên đến 30 triệu/m2. Dự án Thạnh Mỹ Lợi (P. Thạnh Mỹ Lợi, Q. 2) giá cũng đã tăng gần 2 triệu đồng/m2 so với tháng 4, hiện giá ở đây đang dao động từ 17 - 18 triệu đồng/m2. Tại, khu villa Thủ Thiêm (Q.2) giá đất nền cũng đã tăng 22 triệu lên 24 triệu đồng/m2.

Giá nhà đất tại khu Nam Sài Gòn (Q.7) cũng tăng trung bình từ 7 - 8% so với thời điểm cuối tháng trước. Cụ thể, tại dự án căn hộ Phú Mỹ của Công ty Vạn Phát Hưng và dự án căn hộ New Sài Gòn của Công ty Hoàng Anh Gia Lai, ước tính giá căn hộ trong tháng 5 đã tăng so với trước đó từ 500 ngàn - 1 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí, diện tích, tầng cao...

Tuy giá tăng nhưng nhân viên tại các trung tâm môi giới ở Q.2 đều “khuyên” khách hàng không nên đầu tư vào những dự án ở khu vực này vì khó chuyển nhượng. Tuy nhiên, nếu mua để ở thì đây là giai đoạn thích hợp. Tại Q.2, hiện một trong những dự án đất nền được giới đầu tư săn lùng nhiều nhất là dự án Thạnh Mỹ Lợi, do gần cầu Phú Mỹ.

Đón đầu cầu Phú Mỹ


Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trong những ngày qua, giá đất nền tại khu vực Q.2 có sự biến động mạnh, nhất là kể từ khi sự kiện công trình cầu Phú Mỹ (cây cầu nối Q.2 và Q.7) chính thức được hợp long.

Thay vì đầu tư vào những dự án ở Q.7, nhiều người đã chuyển hướng sang địa bàn Q.2 và các dự án ở Q.9 sát với Q.2, tìm mua đất, nhằm đón đầu thị trường khi cầu Phú Mỹ chính thức được thông xe.

Ông Nguyễn Xuân Lộc cho biết thêm, sau khi cầu Phú Mỹ được hợp long, lượng khách hàng tìm đến khu vực Q.2 tăng lên đáng kể. Song cũng chính do nhu cầu của khách hàng tăng lên khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra “làm eo” không chịu bán, tạo nên sự khan hiếm hàng giả tạo.

Theo phân tích của ông Lộc, về lâu dài, Q. 2 vẫn là khu vực được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn, bởi hệ thống hạ tầng tại đây tương đối hoàn chỉnh, được kết nối với hầu hết các cửa ngõ ra vào của thành phố.



Nhà đầu tư đang đổ về những dự án ở Q. 2 để chờ ngày
cầu Phú Mỹ chính thức thông xe. Ảnh: Ca Hảo


Ngoài ra, với mức giá từ 28 đến 30 triệu đồng/m2, nhà phố ở khu vực An Phú - An Khánh được xem là lý tưởng đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở.

Còn ở khu vực Thạnh Mỹ Lợi, các dự án như dự án của Công ty Thế Kỷ 21 có mức giá từ 22 đến 27 triệu đồng/m2, dự án của Công ty Huy Hoàng cũng có mức giá từ 22 đến 26 triệu đồng/m2… vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư lâu dài.

Dùng nhiều chiêu kích giá

Theo chuyên gia tư vấn BĐS Tô Văn Nhụ, “thủ phạm” làm giá nhà đất một số khu vực tăng một cách bất thường trong mấy ngày gần đây là khoản tiền đền bù gần 25.000 tỷ đồng của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngoài ra, tình trạng giá nhà đất tăng lên, giảm xuống bất thường còn có sự tác động của một số nhà đầu cơ. Anh Nguyễn Đình Thanh, môi giới BĐS ở khu vực Q.7, cho rằng, để tạo ra “sóng” nhằm kích thích các nhà đầu tư khác lao vào “lướt”, giới đầu cơ đã rao mua - bán khắp nơi ngay chính những sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, khi hỏi mua, khách hàng thường bị từ chối. Việc này đã tạo nên tâm lý thiếu hàng và càng kích thích nhà đầu tư mua vào, khiến giá nhà đất được kéo lên. “Những cơn sóng ảo của thị trường đang được giới đầu cơ tạo nên, nhà đầu tư cần bình tĩnh kẻo sập bẫy”, anh Xương, nhân viên phòng môi giới địa ốc Vinaland cho biết.

Anh Trần Văn Hải, nhân viên môi giới của công ty Nhà Sum cho rằng, hiện các nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng mạo hiểm để kích giá bằng cách tạo ra sự khan hiếm giả tạo của thị trường và chiêu “lật kèo” cũng đang được dùng.

Giới đầu cơ sẵn sàng trả lại cọc (hàng trăn tirệu đồng) và bồi thường một khoản tiền tương đương cho khách hàng nhằm khích giá đất tăng thêm. Theo anh Hải, nhiều nhà đầu cơ áp dụng khá thành công chiêu “lật kèo”, bởi số tiền lời sau khi bán vẫn lớn hơn khoản bồi thường.

“Tuy nhiên, nếu chiêu lật kèo để kích giá không thành công, giới đầu cơ sẽ càng thê thảm hơn khi hàng không bán được mà còn phải bồi thường một khoản tiền lớn”, ông Tô Văn Nhụ phân tích.

“Xét trên tổng thể mức cầu chung về BĐS gần như không biến động, giao dịch vẫn hết sức dè dặt. Giá chỉ biến động tương đối lớn ở một số dự án hưởng lợi bởi thông tin về những công trình hạ tầng lớn như thông xe cầu Nguyễn Văn Cừ, hợp long cầu Phú Mỹ và đầu cơ, găm hàng.”, báo cáo nhanh ngày 30/5 của Vinaland nhận định.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet