Nhà đất thổ cư liên tục hạ giá vẫn khó bán

Cập nhật 16/11/2022 14:30

Sau một thời gian giá bị đẩy lên quá cao, hiện nhà đất thổ cư đã hạ nhiệt, liên tục xuống giá chào khách nhưng vẫn khó bán.

Nhiều nhà đất thổ cư phải liên tục hạ giá để mong bán được hàng. (Ảnh minh họa).

Nhiều ngày gần đây, trong một group chuyên về bán nhà đất thổ cư dành cho môi giới tại Hà Nội, một căn nhà 48,6m2 (diện tích sử dụng riêng là 37m2 và sân chung là 11,6m2) tại quận Hoàng Mai, Hà Nội hồi giữa tháng 10 được chào bán với giá 3,45 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, căn nhà này đã được chủ hạ giá 120 triệu đồng, xuống 3,33 tỷ đồng. Dù vậy nhưng hiện căn nhà vẫn chưa tìm được khách chốt mua.

Hay một căn nhà khác tại Nam Dư (cũng thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích 34m2 với 4 tầng, 1 tum, 3 phòng ngủ, đầy đủ nội thất được chào bán với giá 3,58 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, chủ nhà đã giảm 80 triệu đồng và tặng thêm 2 chỉ vàng cho môi giới để nhanh chóng đẩy hàng. Nhưng rao bán cả tháng nay, căn nhà vẫn chưa tìm được chủ. Hiện chủ nhà đã giảm giá lần thứ ba về mức 3,4 tỷ đồng với lý do đang cần tiền gấp để trả ngân hàng.

Vài tuần gần đây, anh Trần Ngọc Nam ( Hà Nội ) liên tục đăng bài rao bán mảnh đất thổ cư trong ngõ ở khu vực xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức), thậm chí anh còn nhờ bạn bè làm môi giới bất động sản chia sẻ bài viết lên các hội, nhóm giúp. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn chưa sang tên được mảnh đất này.

Theo anh Nam, đầu năm 2021, khi cơn sốt đất bùng phát, giá đất trong ngõ ở khu vực xã Đức Thượng tăng lên 40 triệu đồng/m2, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Thấy vậy, anh liền dùng số tiền tích cóp được để mua một mảnh đất trong ngõ với giá 38 triệu đồng/m2, nhằm chờ đất tăng cao hơn rồi bán lại để kiếm lời.

Tuy nhiên, “người tính không bằng thị trường tính”, sau vài tháng chờ đợi, miếng đất của anh Nam chẳng những không tăng như kỳ vọng mà còn không được ai hỏi đến. Bởi lẽ, sau thời kỳ lên cơn sốt, giá đất trong ngõ ở xã Đức Thượng giảm dần, về mức 28 - 30 triệu đồng/m2 như trước đây. Do cần tiền gấp và lo sợ tiền sẽ “chôn” vào đất một thời gian dài nên anh Nam đành quyết định bán lô đất với giá cắt lỗ, chỉ 28 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát Batdongsan.com.vn, tại một số điểm nóng về đất nền ở Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm…trong 7 tháng đầu năm, giá đất thuộc vị trí mặt đường lớn đã bắt đầu xuất hiện những lô đất được chào bán rẻ hơn 10 - 20% so với giá thị trường.

Thực tế cho thấy, các cơn sốt liên tục trong 3 năm gần đây đã khiến giá đất ở nhiều tỉnh thành bị đẩy lên quá cao, khiến mặt bằng giá không tương xứng với tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư và môi giới chia sẻ, sau 2 năm dịch bệnh, giá đất nền tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành không chỉ không giảm mà còn liên tục bị đẩy lên quá cao, thậm chí có khu vực đất nông nghiệp bị đẩy tăng 200 - 300% trong khi giá trị khai thác nông nghiệp không tương xứng.

Bên cạnh đó, việc ngân hàng siết tín dụng cũng khiến không ít nhà đầu tư đất nền chùn tay vì khó kiếm đòn bẩy tài chính mua đất lúc này.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản trước đó rất sôi động do dòng tiền lớn đổ vào. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, dòng tiền khiêm tốn hơn hẳn. Theo ông Điệp, biến động của thị trường bất động sản nói chung và đất nền nói riêng giai đoạn này phải tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của dòng vốn.

Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, khi tham gia thị trường bất động sản vào thời điểm này, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc phòng vệ. Đặc biệt, chỉ cân nhắc việc giao dịch khi biết rõ bất động sản đó có tính thanh khoản tốt, kiểm soát được rủi ro pháp lý, rủi ro quy hoạch , rủi ro dòng tiền và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính, tránh tình trạng "chết mòn trên đống tài sản".

DiaOcOnline.vn – Theo VTC