"Nhà đất sốt "thật" 100%!" (Phần 2)

Cập nhật 10/01/2008 10:00

* Việc cho phép Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua đất cũng được dự báo là sẽ gây thêm những “cơn sốt” mới ?

Tôi cho rằng dù việc này có tạo ra những đợt “sốt” nhà đất mới thì đây vẫn là một chính sách đúng đắn và nên khuyến khích. Khi người nước ngoài đầu tư vào thì người ta phải có cuộc sống ổn định nên việc cho phép mua nhà là điều cần thiết.

Nếu chúng ta sang đầu tư ở Singapore, Úc… chúng ta cũng được quyền mua nhà, đó là thông lệ chung của thị trường quốc tế. Việc cho phép mua nhà như vậy càng khuyến khích thêm các nhà đầu tư vào Việt Nam. Theo tôi, dù thị trường nhà đất trong thời gian tới có tiếp tục “sốt” do nguyên nhân nào đi chăng nữa thì đó đều là những cơn “sốt” thật 100%, chứ không còn là sốt ảo như năm 2002.

* Vậy theo ông, chúng ta cần phải “hạ nhiệt” theo hướng nào để có thể hài hòa được lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân? Liệu diện tích của Hà Nội và Tp.HCM có được tiếp tục mở rộng?

Theo tôi, trước một “cơn sốt” chúng ta không nên hành động vội vàng mà cần bình tĩnh phân tích. Thực ra, cơn sốt trong năm 2007 vẫn chỉ là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và cũng chủ yếu tập trung ở các phân khúc là biệt thự, chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê.

Do đó, trước hết chúng ta phải có những giải pháp, cơ chế cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản ở hai thành phố này để có thể tăng nguồn cung, từ đó mới mong “hạ nhiệt” cho thị trường nhà đất trong thời gian tới.

Ngoài ra, ở tầm nhìn xa hơn, chúng ta phải có những điều chỉnh trong chính sách, pháp luật về đất đai, về chủ sở hữu cũng như quyền sử dụng, định đoạt theo hướng mở rộng đối tượng điều chỉnh. Có như vậy mới mong sớm ổn định nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.

Hiện nay Hà Nội chỉ có trên 5% là đất ở đô thị, Tp.HCM là trên 7%. Cho nên muốn giảm sức ép cho 2 thành phố này thì phải quy hoạch những khu vực lân cận đô thị có điều kiện tương tự, chẳng hạn xung quanh Hà Nội là Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…để giãn sức ép cho Hà Nội.

Hiện Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đang triển khai quy hoạch các khu lân cận, các thành phố “vệ tinh” để giảm sức ép cho Hà Nội và Tp.HCM. Trong thời gian tới, khi đường Láng Hòa Lạc, các khu đô thị Bảo Sơn, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, khu làng Sinh viên… được mở rộng ra, khu trung tâm sẽ giảm được sức ép.

Bên cạnh đó, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng sẽ là một luồng giao thông giãn đầu tư công nghiệp sang Hưng Yên, Hải Dương. Còn khu đô thị mới ở Bắc Ninh, nếu chúng ta đầu tư thêm cơ sở hạ tầng xã hội thì cũng sẽ thu hút được một số lượng dân cư lớn từ Hà Nội sang. Riêng Tp.HCM thì tiềm năng còn lớn hơn, việc giãn ra một số địa bàn xung quanh chắc chắn có thể làm được.

>"Nhà đất sốt "thật" 100%!" (phần 1).

Theo VnEconomy