"Nhà đất sốt "thật" 100%!" (phần 1)

Cập nhật 10/01/2008 10:00

Cũng là “sốt”, nhưng “cơn sốt” nhà đất trong năm qua khác xa với “cơn sốt ảo” vào năm 2002.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Đức Đôi, Phó vụ trưởng Vụ Đăng ký - Thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

* Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến thị trường nhà đất trong năm 2007 luôn ở trong tình trạng “sốt” cao?

Đúng là năm 2007 vừa qua chúng ta lại phải chứng kiến một “cơn sốt” lần thứ 2 trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, “cơn sốt” nhà đất trong năm 2007 về bản chất lại hoàn toàn khác với “cơn sốt” năm 2002. Nếu như “cơn sốt” năm 2002 chỉ là “sốt ảo” thì năm 2007 lại là “cơn sốt” thật.

Nguyên nhân của “cơn sốt” trong năm 2007 là do chúng ta đã thực sự hội nhập kinh tế quốc tế. Cho nên, luồng đầu tư từ nước ngoài vào nước ta tăng nhanh và cùng với đó là nhu cầu về văn phòng, nhà ở của người nước ngoài là có thực.

Thứ hai nữa là do đời sống của người dân trong nước đã được nâng lên, tích lũy của nhiều người dân đã đủ để có thể mua được nhà, đất tại các đô thị lớn. Đồng thời, với việc ra đời của Luật Cư trú thì chính sách về nhập cư của chúng ta đã cởi mở hơn, tạo điều kiện cho nhiều người có thể mua đất, nhà và sinh sống tại các đô thị lớn.

Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án nhà ở, văn phòng lại rất chậm. Chỉ tính riêng Hà Nội trong mấy năm qua phê duyệt được hơn chục dự án nhưng chỉ có 4 dự án đưa vào triển khai. Còn Tp.HCM trong mấy năm vừa qua cũng phê duyệt được khoảng 25 dự án thì chỉ có 6 dự án đi vào triển khai.

Chính những điều này đã khiến nguồn cung nhà đất trên thị trường thực sự là không đủ đáp ứng được “cầu” đang ngày càng tăng cao. Và một khi cung ít nhưng cầu nhiều thì tất yếu giá sẽ bị đẩy lên cao, tạo ra những cơn sốt bất lợi cho người dân.

* Nhưng thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng “sốt” nhà đất trong thời gian qua là do công tác quản lý, điều hành của chúng ta còn yếu kém ?

Đúng là vấn đề chính sách tài chính về đất đai hiện nay của chúng ta vẫn chưa ổn. Chúng ta vẫn quản lý đất đai theo kiểu hành chính chứ chưa dùng công cụ kinh tế để quản lý và đưa đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế bền vững.

Trong khi “cầu” về đất đai và nhà ở đang ngày càng tăng lên nhanh chóng thì nguồn cung vẫn bị hạn chế do khả năng điều hành, quản lý đất đai. Ví dụ, mỗi khi có một dự án nào đấy có vấn đề, trục trặc vì nguyên nhân khách quan thì thay vì hướng dẫn, tìm cách tháo gỡ cho nhà đầu tư thì chúng ta lại quyết định thu hồi. Đây là một điều bất hợp lý và nó tác động tiêu cực đến nguồn cung trên thị trường.

Một bất cập nữa là trong khi ngày càng nhiều người có nhu cầu về một căn hộ tại một khu vực được quy hoạch bài bản, đầy đủ các dịch vụ tiện ích thì chúng ta lại chỉ tập trung vào xây nhà để ở chứ không hề thấy phát triển các khu công viên, trường học ra sao, bệnh viện, dịch vụ thương mại …Người dân đâu phải chỉ ở, họ phải có các nhu cầu khác trong đời sống xã hội.

Theo VnEconomy