Nhà đất sốt ảo, chẳng lẽ chỉ cò chịu tội?

Cập nhật 26/05/2017 11:05

Thông tin được nhiều người dân TPHCM quan tâm tuần qua có lẽ là sự kiện Thành uỷ TPHCM vào cuộc để ngăn chặn cơn sốt đất ảo.

Công an được điều động điều tra làm rõ vụ lợi dụng thông tin chính sách để thổi giá đất nền trục lợi.

Thành uỷ TPHCM đã triệu tập cuộc họp rộng rãi nhằm thống nhất các biện pháp hạ nhiệt giá đất vùng ven, công khai thông tin quy hoạch, nhanh chóng sửa đổi quyết định 33 cho phù hợp…

Và tại cuộc họp, Thành uỷ khẳng định ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Hóc Môn chưa đủ điều kiện lên quận. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu công an vào cuộc điều tra, làm rõ cò lợi dụng thông tin chính sách để thổi giá đất trục lợi.

Công bố thông tin ba huyện khó lên quận là chính quyền mong muốn đưa giá đất ở đó về với giá trị thực, tránh cho những ai chuẩn bị đầu cơ không bị vướng bẫy giá ảo. Đây là điều đáng ra phải làm ngay khi tin đồn “lên quận” bị lợi dụng. Bây giờ mới làm là đã chậm, bởi không ít người nhẹ dạ đã ôm vào giá cao (!). Thế nhưng, dù chậm nhưng không ít người đã thầm cám ơn cái thông tin mà Thành uỷ đã công bố.
Dầu vậy, cũng trong cuộc họp trên việc đổ hết tội cho cò trong vụ đất đai vùng ven sốt ảo xem ra chưa ổn. Đúng là lực lượng cò đã góp phần không nhỏ tạo ra cơn sốt ảo thông qua các thông tin kiểu “tin trong, tin ngoài”… nhưng liệu chỉ có cò có thể tạo ra cơn sốt đất ảo lớn mạnh như hiện nay hay không? Xin thưa là không thể!

Vậy ai đứng sau cơn sốt đất này? Nếu là dân am hiểu thì chắc chắn không khó chỉ thẳng vào mặt và đặt tên luôn các đại gia bất động sản là người đứng sau giật dây mọi thứ. Một tờ báo đã phân tích như vầy: thực tế, hiện nay một số chủ đầu tư đang sở hữu nhiều bất động sản dùng chiêu “làm giá” thị trường một cách bài bản, với mục đích làm cho tổng trị giá đất mà họ có trong tay tăng giá một cách chóng mặt.

Theo đó, đầu tiên những ông chủ đất mua một khu đất với giá nào đó. Sau đó mua tiếp một vài lô đất bên cạnh với giá cao gấp 5 – 10 lần để nâng giá khu đất đã mua trước đó. Ví dụ, họ mua khu đất khoảng 200ha ở quận 7, TPHCM với giá 5 triệu đồng/m2, sau đó họ liền mua khu bên cạnh với giá 50 triệu đồng/m2. Điều này dẫn đến tâm lý khách hàng, nhà môi giới thấy giá tăng thì dễ dàng “xuống tiền” gom những đất ở điểm lân cận. Đến lúc này, khi định giá lại khu đất 200ha đối với các tổ chức, đối tác thì họ không còn chấp thuận ở mức giá cũ nữa, mà ngay lập tức “hét” mức giá mới cao gấp nhiều lần so với giá họ vừa mua trước đó. Với những đại gia sở hữu nhiều đất đai khi dùng chiêu nâng giá đất này sẽ giúp họ ngay lập tức cân đối tài sản, cân đối tài chính đối với ngân hàng hoặc đối tác… Nguy hiểm hơn, những đại gia đất này chỉ mua đất chứ không bán, thậm chí cũng không khai thác các khu đất đã mua… Nói vậy thì đã rõ cái gốc vấn đề ở đâu rồi.

Lực lượng thứ ba khiến đất đai thành phố cứ thế lên cơn sốt ảo phải chỉ thẳng vào mặt những tờ báo, trang tin “bán trang” “bán mục” cho các công ty bất động sản, mà đằng sau các công ty này là các đại gia bất động sản. Phải dùng từ “chỉ thẳng mặt” thực ra không quá nếu chúng ta thấy những trò mèo đó. Chiêu dễ dàng thấy nhất là khi mới mở bán đất nền hay căn hộ thì các báo và trang tin này liền đưa thông tin kiểu mới mở bán đã hết hàng nhằm chiêu dụ người mua, nhưng thực tế hàng cứ còn đầy nhưng giá cứ bị đẩy cao, tạo cơn sốt ảo không lối thoát cho nhà đầu tư.

Vì vậy, muốn hạ sốt đất ảo thì chỉ có cách “bóc mẽ” được việc cân đối tài chính, tài sản của các đại gia bất động sản chuyên lấy đất có giá ảo ra để cân đối nhằm đối phó với ngân hàng, đối tác, cổ đông và cơ quan công quyền! Còn hai nhân tố phụ trợ kia chỉ cần đại gia “chết” thì tự khắc sẽ “băng hà”.

DiaOcOnline.vn - Theo TGTT