Dự báo lãi suất sẽ giảm từ tháng 9 tới, lãi suất cho vay sẽ còn khoảng 17%-18%, sang đầu năm 2012 và 2013 sẽ giảm còn 12%-13%.
Dòng tiền bị tắc và chính sách còn nhiều vướng mắc là hai chủ đề chính được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) mổ xẻ trong hội thảo “Những giải pháp khơi thông thị trường BĐS hướng tới an sinh xã hội” do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 6-8.
DN nêu bức xúc về việc đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường từ Nghị định 68. Ảnh: M.Thảo BĐS kêu cứu
|
Mở đầu hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đọc ngay bản kiến nghị gồm nhiều vấn đề về chính sách, dòng vốn, lãi suất… do hiệp hội soạn gửi tới các cơ quan chức năng.
HoREA kiến nghị Chính phủ có lộ trình giảm dần lãi suất và tạo điều kiện cho một số dự án BĐS được vay vốn tín dụng ngân hàng. Đề nghị không xếp BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất mà vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Phân biệt DN BĐS và dự án BĐS để cung cấp tín dụng, nhất là các dự án nhà ở cho thuê hoặc bán cho người có thu nhập trung bình hoặc DN làm ăn hiệu quả… Đặc biệt cần giảm dần lãi suất cho vay xuống mức 15%-16% và duy trì ở khoảng 11%-12%/năm…
Trong nội dung kiến nghị này, HoREA cho biết do chính sách thắt chặt tiền tệ nên ngành BĐS rơi vào tình thế vô cùng khó khăn, khó đến độ thị trường gần như bất động. Giá vốn đầu vào, chi phí vốn tăng, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, bán sản phẩm không được đã khiến nhiều DN có nguy cơ phá sản. “Sáu tháng đầu năm, toàn TP chỉ có năm dự án được khởi công, thấp nhất từ trước đến nay. Các DN chỉ cung ứng được gần 1.700 căn hộ và phần lớn là căn hộ trung bình và giá thấp” - ông Châu nói.
Mặt khác, thị trường lạnh vì nhà đầu tư, người tiêu dùng BĐS không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để kinh doanh hoặc giải quyết nhu cầu mua nhà ở.
Dự báo sáu tháng cuối năm 2011 tình hình sẽ khó khăn cho DN, nhà đầu tư và cả người dân. Có khả năng nhiều DN BĐS phải đóng cửa, phá sản. “Hiện tại, hầu hết các DN BĐS phải tái cấu trúc, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, đình giãn hoặc hoãn triển khai một số công trình, dự án, tinh giản bộ máy và thực hiện nhiều giải pháp bán hàng như tăng chiết khấu, hỗ trợ vốn vay, khuyến mãi…” - ông Châu cho biết.
Loại bớt DN yếu
Về vấn đề nguồn vốn ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định sắp tới kênh BĐS sẽ sớm được giải tỏa cơn khát vốn. “Dự báo lãi suất sẽ giảm từ tháng 9 tới, lãi suất cho vay sẽ còn khoảng 17%-18%, sang đầu năm 2012 và 2013 sẽ giảm còn 12%-13%” - ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên đánh đồng rút dư nợ cho vay phi sản xuất về mức 16% vào cuối năm. Thực tế chỉ có ít ngân hàng nhỏ cho vay nợ xấu, còn các ngân hàng lớn tỉ lệ nợ xấu không đáng kể.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng điều cần nhất lúc này là định hướng dư luận cần xem ngành BĐS như các ngành nghề khác mà Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ để phát triển. “Lâu nay dư luận từ cơ quan nhà nước đến dân chúng hay xem DN BĐS như tội đồ, là đại gia vung tiền, là nguyên nhân gây ra lạm phát…” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, thị trường suy giảm cũng có hướng tích cực là loại dần bớt những DN yếu kém ra khỏi sân chơi BĐS. DN năng lực tài chính yếu, kinh doanh trái ngành nghề thì phải rút lui. Không như bây giờ DN làm đường, may mặc… cũng nhảy vào đầu tư kinh doanh BĐS.
Về giải pháp ngắn hạn, ông Nam cho rằng DN BĐS cần chung tay lấy lại niềm tin thị trường. Thị trường lúc này là của người mua. DN cần cam kết bảo đảm chất lượng, giá thành, tiến độ thi công…
“Sức mua không có nhưng hiện tại trong các hợp đồng mua bán căn hộ, phần thiệt được ràng buộc bởi các quy định vẫn nghiêng về phía khách hàng là chưa thỏa đáng” - ông Nam phân tích.
Và cách tốt nhất theo ông Nam là DN tự cứu mình bằng cách rà soát lại phương án đầu tư, cơ cấu sản phẩm. DN cần liên kết lại, liên kết với DN trong nước, thậm chí liên kết hoặc bán dự án cho nước ngoài… để vượt qua khó khăn trước mắt.
Tiêu điểm
Hỗ trợ tài chính người mua nhà
Về lâu dài, theo tôi Chính phủ cần chú trọng hơn tới phía cầu của thị trường, tức là hỗ trợ những người dân mua nhà ở tiếp cận nguồn tài chính và nguồn lực cần thiết khác để có nhà. Các chính sách như quỹ tiết kiệm nhà ở, tài chính nhà ở, gói cho vay nhà ở… cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông Trần Kim Chung, Trưởng ban Đầu tư - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Cho thế chấp BĐS ở ngân hàng ngoại
Hiện nay pháp luật chưa cho phép thực hiện cơ chế này. Tuy nhiên, nếu cơ chế này được triển khai, thực hiện sẽ khơi thông mạnh mẽ nguồn vốn cho BĐS. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO.
LS Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP