Nhà đất, ô tô công dư thừa sẽ được xử lý thế nào?

Cập nhật 17/02/2018 15:03

Dân trí Sẽ có 8 hình thức xử lý đối với nhà đất công như giữ lại tiếp tục sử dụng, thu hồi, điều chuyển, bán – chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng, giao về địa phương, tạm giữ lại, chuyển giao hoặc thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng.


Lại thêm một Nghị định mới về quản lý tài sản công, trong đó có xe công

Trong trường hợp không sử dụng các hình thức trên địa phương, đơn vị hành chính sự nghiệp có thể đề xuất hình thức xử lý khác. Đó là những quy định mới trong Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nghị định này quy định việc sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công, gồm: Đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng (trừ nhà, đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; nhà, đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và nhà, đất khác không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp); xe ô tô; máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nghị định quy định rõ các hình thức xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại, gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng; Thu hồi; Điều chuyển; Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Chuyển mục đích sử dụng đất; Chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; Sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao; Hình thức khác.

Trong đó, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện trong 2 trường hợp: Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại; Tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện trong các trường hợp: Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại; tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Nghị định 167 cũng quy định rõ đối với trường hợp xử lý nhà, đất sử dụng không đúng quy định. Theo đó, đối với nhà, đất đã bố trí làm nhà ở không đủ điều kiện chuyển giao về địa phương quản lý theo quy định, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất để sử dụng đúng mục đích. Việc hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân phải di dời (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm đề nghị tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng nơi có nhà, đất (tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cơ cấp huyện) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trường hợp sử dụng toàn bộ cơ sở nhà, đất hoặc một phần cơ sở nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết và các hình thức sử dụng khác không đúng quy định mà có thể tách phần diện tích sử dụng không đúng quy định thành cơ sở độc lập thì xử lý thu hồi theo quy định.

Trường hợp sử dụng một phần cơ sở nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết và các hình thức khác không đúng quy định mà không thể tách phần diện tích sử dụng không đúng quy định thành cơ sở độc lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định. Sau khi chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý), vào ngân sách địa phương (đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.


DiaOcOnline.vn – Theo Dân Trí