Nhà đất nội thành TP HCM tiếp tục giảm giá

Cập nhật 18/03/2012 08:10

Hơn hai tháng đầu năm, giao dịch nhà phố nội thành TP HCM giảm giá thêm 10% so với năm ngoái. Giới kinh doanh địa ốc cho rằng đây là hệ quả của việc thị trường ảm đạm, 'khát' vốn trong thời gian dài.

Tiếp đà giảm giá 10% của năm 2011, bước sang năm 2012, khung giao dịch của nhà phố lại tiếp tục mất giá thêm. Anh Thông, nhân viên môi giới một sàn địa ốc tại quận 1, cho biết: "Nhiều căn nhà phố nội thành rao 2-3 năm mới bán được nhưng đến khi thương lượng xong, giá giao dịch sụt giảm mạnh đến bất ngờ".

Nhân viên này cho biết, anh vừa môi giới được căn nhà trong hẻm 3 mét, đường Quang Trung, Gò Vấp. Khi rao bán năm 2008 gia chủ chào 140 cây vàng tương đương 4 tỷ đồng. Đến năm 2011 căn nhà này đã hạ được hạ giá xuống còn 80 cây. Mãi đến năm 2012 giao dịch này mới thành công với giá thuận mua vừa bán là 70 lượng vàng. So với năm 2011, giá bán của sản phẩm này giảm 12,5% nhưng nếu so với năm 2008 thì căn nhà này giảm đến 50%.

Anh Thông giải thích, sở dĩ giá nhà phố nội thành có sự sụt giảm mạnh vì lượng hàng được rao bán trên thị trường hiện nay quá nhiều. Kinh tế bất ổn, làm ăn khó khăn khiến cho lượng khách có dòng vốn lớn trở nên khan hiếm hơn. Thêm vào đó chính những gia chủ lại có nhu cầu hạ giá bán nhà đất để nhanh chóng thu về tiền mặt nên hầu hết các giao dịch thành công đều được ghi nhận mức giá bán giảm mạnh so với lúc chào bán ban đầu.


Nhà phố nội thành trong khu dân cư hiện hữu tại TP HCM tiếp tục giảm giá. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, nhân viên môi giới nhà đất tại một sàn địa ốc trên đường Cao Thắng, quận 10, anh Huy Mẫn tiết lộ, giá nhà đất nội đô Sài Gòn đang được điều chỉnh giảm thêm ở phân khúc giá trị cao. Cụ thể, nhà đất 2-4 tỷ đồng một căn đứng giá hoặc giảm nhẹ trong khi sản phẩm trị giá 5 tỷ đồng trở lên có xu hướng giảm ít nhất 5%. Riêng nhà đất từ 10 tỷ đồng trở lên lại có tỷ lệ giảm mạnh hơn, mất ít nhất khoảng 10%.

Theo anh Mẫn, giá nhà phố nội thành sụt giảm có nhiều lý do, một trong những yếu tố chính là lượng nhà đất thanh lý từ doanh nghiệp, ngân hàng cũng tăng lên.

Trong khi đó, anh Đức Thành môi giới nhà đất hành nghề tự do, có thâm niên 10 năm trong ngành cho biết: "Không chỉ có nhà rao bán, đến nhà cho thuê cũng ế ẩm dù giảm giá đến mức thấp hơn các giao dịch cùng khu vực".

Anh Thành cho hay, anh đang môi giới căn nhà 10 tầng gần chợ Thái Bình, quận 1 nhưng chờ mãi không có khách hỏi mua. Đến khi gia chủ chuyển từ bán sang cho thuê và hạ từ khung giá 18 USD mỗi m2 một tháng xuống còn 13 USD mỗi m2 nhưng tình trạng ế ẩm cũng không được cải thiện.


Nhà phố trong nội đô Sài Gòn giá 5-10 tỷ đồng giảm trung bình 5%, nhà giá trên 10 tỷ đồng một căn giảm khoảng 10% so với giá chào bán trở lên. Ảnh: Vũ Lê

Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải cho biết: "So với năm 2011, trong ba tháng đầu năm 2012 nhà phố nội thành có lượng giao dịch chững lại và tiếp tục giảm giá thêm khoảng 10% nữa".

Theo ông Hải, đặc thù của nhà phố nội thành là giá trị lớn, có khi lên đến hàng chục tỷ đồng vì vị trí nhà và đất không có sản phẩm thay thế. Song chính vì giá trị tài sản quá lớn nên người mua nổi những hàng hóa này không nhiều thậm chí là hiếm hoi. Khi cung vượt cầu thì tình trạng giảm giá, ế ẩm hay bị ép giá là diễn biến bình thường của thị trường.

Tuy nhiên, chuyên gia này phân tích thêm, nhà đất nội thành giảm giá chỉ thể hiện qua những giao dịch ghi nhận được chứ những thông tin rao bán giá chào sàn vẫn cao ngất ngưỡng. Vì thế giá chào bán và giá giao dịch thành công cũng có khoảng cách khá lớn. Thông thường khách hàng chọn mua nhà phải đi xem tận nơi 5-7 căn mới đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi lẽ, sau khi khảo sát xong "thượng đế" mới có cái nhìn cụ thể hơn về giá nhà đất ở từng khu vực và dễ ngã giá hơn.

Ghi nhận của sàn địa ốc ACBR, thông thường trung bình một hồ sơ nhà đất khu vực nội thành TP HCM phải mất ít nhất là một tháng thương lượng (không tính thời gian chọn lựa, xem nhà đất) để đi đến giao dịch thành công. "Trong thời điểm thị trường đói vốn, các giao dịch nhà đất nội thành thường kéo dài hơn. Tỷ lệ giảm giá cũng cao hơn vì bên mua có nhiều cơ hội để ép giá đối với bên bán", ông Hải nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress