Nhà đất mùa ảm đạm

Cập nhật 05/12/2010 08:15

Mặt bằng lãi suất quá cao, từ 18% đến 19%/năm khiến thị trường bất động sản không còn hấp dẫn về mặt lợi nhuận

Đã vào thời điểm cuối năm nhưng thị trường bất động sản (BĐS) tại TPHCM có vẻ chững lại so với mọi năm. Các giao dịch giảm mạnh, thậm chí có lúc giảm tới 50% so với những tháng đầu năm. Số lượt giao dịch thành công những tháng cuối năm rất ít.


Thị trường nhà đất TPHCM có dấu hiệu “đóng băng” do chính sách và áp lực lãi suất ngân hàng. Ảnh: Tấn Thạnh

Thị trường “đóng băng”


Thị trường căn hộ, phân khúc được đánh giá là có nhiều sôi động trong thời gian qua, cũng đang bị đóng băng. Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại quận 3 - TPHCM cho biết cách đây gần một tháng, sàn giao dịch này nhận bán 50 căn hộ của một dự án tại quận Tân Phú. Dự án có mức giá khá tốt, từ 14 - 16 triệu đồng/m2, nằm ở vị trí khá thuận lợi, nhưng sau gần một tháng vẫn chưa bán được căn hộ nào.

Dự án trên còn giao sản phẩm cho 4 sàn giao dịch BĐS khác nhưng cũng chưa sàn nào bán được. Mới đây, chủ đầu tư đã ra quyết định thu hồi sản phẩm và ngưng kế hoạch chào bán.

Tình trạng ế ẩm cũng diễn ra tại nhiều dự án căn hộ khác ở TPHCM. Tại một dự án ở quận Gò Vấp, theo kế hoạch, đầu tháng 11-2010, chủ đầu tư tung sản phẩm ra bán nhằm đón đầu làn sóng giao dịch cuối năm, song mới đây, đại diện chủ đầu tư cho biết họ phải dừng kế hoạch này do thị trường đang khó khăn.

Không chỉ thị trường căn hộ, thị trường đất nền cũng trong tình trạng ảm đạm không kém. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu gần một tháng trở lại đây, thị trường đất nền ở quận 2 chững lại rõ rệt. Trong đó, chỉ một số dự án có sổ đỏ vẫn giao dịch nhưng thưa thớt, còn lại đều trong trạng thái đóng băng.

Tình trạng càng thêm ảm đạm khi nhà đầu tư khó huy động vốn, lãi suất ngân hàng cho vay cao, từ 15% - 17% khiến khách hàng trở nên do dự trong các phiên giao dịch. Theo ông Đoàn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, khi đưa sản phẩm ra bán, không ít dự án BĐS đưa kèm điều kiện cho khách hàng vay đến 70% vốn mua nhà, song hiện nay, tại một số dự án, các ngân hàng rút lại cam kết này hoặc nếu vẫn cho vay thì mức lãi suất lên đến 18% - 19%.

Sau hai lần tung sản phẩm ra bán, một dự án căn hộ khác tại huyện Nhà Bè cũng đang phải dừng bán hàng. Theo đại diện chủ đầu tư dự án, quyết định này được đưa ra là do ngân hàng cam kết cho khách hàng vay vốn mua dự án trước đây đã thông báo không cam kết giải ngân cho khách hàng vay mua căn hộ. Hơn nữa, thời gian qua, do giá tăng cao nên vàng và USD được đổ vốn đầu tư khiến nguồn vốn đầu tư BĐS giảm mạnh.

Khó càng thêm khó

Những khó khăn khách quan trên đã góp phần tạo sự trầm lắng cho thị trường BĐS. Giai đoạn cao điểm nhưng nhà đất TPHCM vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chững lại như thời gian qua là một điều đáng lo ngại.

Dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án BĐS, ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Sacomreal, cho rằng: “Với mặt bằng lãi suất 18% - 19%/năm, thị trường BĐS sẽ chẳng còn hấp dẫn gì cả. Điều này tương tự như nhà đất vào thời điểm khủng hoảng năm 2008. Với một dự án BĐS, tính từ khi triển khai đến khi đủ điều kiện bán hàng cũng phải mất vài năm. Nếu dự án có đất sạch phải mất 2 năm; đối với dự án phải giải phóng mặt bằng phải mất 4 năm. Nếu tính ở mức lý tưởng, chủ đầu tư chỉ phải vay 50% tổng vốn đầu tư của dự án, chỉ trong vòng 3 - 4 năm, lãi suất đã lên đến 30% - 40%. Trong khi đó, đối với một dự án BĐS, để sinh lãi 30% đã là rất khó. Vì vậy, nếu những khó khăn như hiện nay vẫn còn kéo dài thì chẳng có chủ đầu tư nào mặn mà với các dự án BĐS”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), nhận định với một số chính sách mới được ban hành, thị trường BĐS chắc chắn sẽ phát triển một cách lành mạnh hơn, loại bỏ dần những chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng... Tuy nhiên, theo ông Châu, trong một số trường hợp cũng cần có quy định linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, việc giao dịch các hợp đồng góp vốn là một ví dụ. Trước thời điểm Nghị định 71 và Thông tư 16 ra đời, các hợp đồng góp vốn vẫn được giao dịch bình thường, người chuyển nhượng hợp đồng góp vốn cũng nộp thuế thu nhập cá nhân... Do đó, việc cấm chuyển nhượng hợp đồng góp vốn chỉ nên áp dụng với các dự án triển khai sau khi các văn bản này có hiệu lực; còn các hợp đồng góp vốn trước đó phải có thời gian với những giải pháp cụ thể, không nên cấm ngang như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động