Nhà đất Đan Phượng có tăng giá mạnh như tin đồn?

Cập nhật 22/11/2018 14:35

Từ đợt sốt giá gần nhất vào tháng 7/2017, thị trường nhà đất Đan Phượng (Hà Nội) đã diễn biến ra sao và hiện đang ở mức nào trước thông tin sắp lên quận?

Tháng 5/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về chủ trương cho phép Hà Nội triển khai dự án đường trục Tây Thăng Long nối khu vực Tây Tây Hồ và phía Bắc Cầu Thăng Long với khu đô thị Sơn Tây. Tuyến đường dài khoảng 23km chạy qua 2 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ.

Đường 32 và đường Tây Thăng Long đã khiến thị trường nhà đất huyện Hoài Đức “thay da đổi thịt”

Sau quyết định này, thị trường đất nền khu vực phía Tây Hà Nội, gồm Hoài Đức, Đan Phượng bắt đầu rục rịch tăng giá. Những mảnh đất có vị trí đẹp được giới đầu tư săn lùng với kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai.

Tại thời điểm tháng 7/2017, giá đất Đan Phượng nằm dọc quốc lộ 32, mặt đường lớn hoặc gần các khu đô thị mới như Kim Chung Di Trạch, Tân Tây Đô… đã tăng khoảng 30-40% so với thời điểm đầu năm 2015. Tại những khu vực như xã Vân Canh, thôn Hậu Ái, Kim Hoàng, An Trai… những lô đất thổ cư trong làng cũng tăng giá, trung bình khoảng 20 triệu đồng/m2, thậm chí lên đến 40 triệu đồng/m2 với những lô đất đẹp.

Bên cạnh đó, nhiều lô đất đấu giá nằm sát cổng khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch cũng tăng giá mạnh. Một doanh nghiệp trước đó đã đấu giá thành công khu đất khoảng 1.000m2 nằm sát cổng khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch với giá trúng thầu là 37,5 triệu đồng/m2. Sau đó, doanh nghiệp này đã phân lô bán nền với giá bán sang tay những lô mặt đường nội bộ khoảng 50 triệu đồng/m2 và những lô mặt đường 32 khoảng 80-85 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát tin rao bán đất trên Batdongsan.com.vn, từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2017, giá đất Đan Phượng tăng nhẹ khoảng 20%, giá rao bán trung bình nằm trong khoảng 13-17 triệu/m2.

Biến động giá rao bán đất và lượng tin rao bán đất tại huyện Đan Phượng qua các tháng

Bước sang tháng 11/2017, giá rao bán trung bình đã thiết lập một mặt bằng mới cao hơn, sau đó chủ yếu đi ngang đến tháng 7/2018, dao động trong khoảng 19-22 triệu đồng/m2. Đặc biệt, sang tháng 8/2018, giá rao bán trung bình bất ngờ tăng mạnh lên 27 triệu đồng/m2 nhưng sang tháng sau cũng nhanh chóng trở lại mặt bằng giá cũ.

Bước sang năm 2018, số lượng tin rao bán đất mỗi tháng tại huyện Đan Phượng cũng nhiều hơn hẳn lượng tin rao bán trong nửa cuối năm 2017, cao điểm là tháng 4/2018.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, giá rao bán đất có sự chênh lệch lớn, tùy theo vị trí của mảnh đất. Chẳng hạn, trong tháng 11/2018, tại xã Trung Châu, một mảnh đất thổ cư 150m2, sổ đỏ chính chủ, ngõ vào 3,5m được bán với giá chỉ 4 triệu đồng/m2. Nhưng nằm ngay ngã tư Trạm Trôi, xã Tân Lập, một mảnh đất thổ cư 73m2 sổ đỏ chính chủ có giá bán 34 triệu đồng/m2. Trong khi đó, một mảnh đất 150m2, mặt tiền 10m ở mặt đường 32, thị trấn Phùng được rao bán với giá 63 triệu đồng/m2.

Trên địa bàn huyện, theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 đã được phê duyệt, thị trấn Phùng và vùng phụ cận sẽ hình thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao. Vì vậy, đây cũng là khu vực ghi nhận mức giá rao bán đất khá cao. Cùng với đó là khu vực xã Tân Lập, Tân Hội, nơi có tuyến đường Tây Thăng Long đi qua và nằm gần trung tâm Hà Nội hơn. Hay những khu vực ở xa hơn như xã Thọ Xuân, Thọ An, giá đất dù ở mức mềm hơn nhưng cũng “chát” chưa từng có.

Cụ thể, giá rao bán đất tại khu Đồng Sậy nằm trong khoảng 23-40 triệu đồng/m2. Tại khu Gò Mèo, giá bán dao động trong khoảng 30-35 triệu đồng/m2. Khu vực Thọ Xuân, Thọ An là 7-12 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại khu vực Tân Tây Đô, giá bán đất phổ biến nhất là từ 29-34 triệu đồng/m2. Một số lô đất có vị trí đẹp, thuận lợi kinh doanh còn được rao bán 50-70 triệu đồng/m2.

Đầu tháng 11, UBND huyện Đan Phượng vừa được TP. Hà Nội yêu cầu thành lập ban chỉ đạo, mời các đơn vị tư vấn, các sở, ngành của thành phố hỗ trợ để xây dựng đề án phát triển huyện thành quận, trình thành phố xem xét vào đầu năm 2019.

Thông tin này được đánh giá là sẽ tiếp tục có những tác động mạnh đến thị trường nhà đất Đan Phượng, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất tại vùng lõi không còn nhiều. Hơn nữa, huyện Đan Phượng còn có lợi thế chỉ cách quận Nam Từ Liêm khoảng 7km, cách quận Cầu Giấy khoảng 10km. Cùng với đó, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km dự kiến được đưa vào khai thác trong năm 2021 sẽ giúp việc lưu thông giữa Đan Phượng với khu vực nội thành Hà Nội trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường này trong tương lai, nhiều “ông lớn” trong ngành địa ốc như Vingroup đã xuống tiền đầu tư dự án tại Hoài Đức và các vùng lân cận.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐBĐS