Nhà dân trồi, sụt theo nền đường

Cập nhật 22/05/2016 11:03

Nhà bỗng nhô cao hơn cả mét so với mặt đường khiến nhiều người phải khốn khổ leo vào nhà.

“Khu vực này trước đây thường xuyên ngập nên khi xây nhà, chúng tôi nâng cao nền nhà. Cứ nghĩ khi họ làm đường thì cũng nâng lên, ai ngờ họ lại cho nạo bớt cao độ mặt đường khiến nhà tôi trồi lên mặt đường cả mét” - ông Nguyễn Văn Sinh, nhà mặt tiền đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP.HCM) than vãn như trên.

Choáng với nhà cao chót vót

Theo ghi nhận của PV, đơn vị thi công đang chuẩn bị thảm nhựa hoàn thiện mặt đường Bạch Đằng. Lúc này nhiều căn nhà mặt tiền đường này bỗng dưng nhô quá cả mét, thậm chí có chỗ cao gần 2 m so với mặt đường. Nhiều nhà muốn ra vào nhà phải leo bằng cầu thang, làm bậc tam cấp, thậm chí nhiều người không thể chạy xe vào nhà được đành phải gửi xe ở nơi khác. Các hộ, công ty kinh doanh ở mặt tiền đường này cũng bày tỏ bức xúc vì hoạt động kinh doanh, buôn bán ở tuyến đường bị ế ẩm, ngưng trệ. Ông Nguyễn Văn Sinh bức xúc: “Nhà tôi bỗng dưng cao chênh vênh so với mặt đường. Bây giờ, tôi dắt xe lên xuống còn khó chứ đừng nói là kinh doanh, buôn bán”.

Tương tự, bà Trần Thị Thơm, chủ một quán cơm trên đường, cho biết từ ngày làm đường, quán cơm của bà buôn bán ế ẩm. “Không có khách nào chịu dừng chân tại quán. Người đi xe máy không thể nào đậu xe trước quán, còn muốn vô quán thì phải trèo lên thì thử hỏi còn ai muốn vào ăn nữa. Tôi đang kiếm mặt bằng khác để thuê” - bà Thơm nói.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, ông Phạm Văn Hòa (cán bộ về hưu) cho biết thu nhập chính của hai vợ chồng ông là tiền cho thuê mặt bằng. Nhưng kể từ khi căn nhà bị trồi lên thì việc kinh doanh của khách bị ế ẩm. “Họ không buôn bán gì được nữa nên trả mặt bằng khiến vợ chồng tôi khốn đốn” - ông Hòa than.


Nhà dân bỗng trồi quá hớp so với mặt đường vừa không đảm bảo mỹ quan đô thị, lại gây nhiều bất tiện cho sinh hoạt, kinh doanh của họ. Ảnh: HT

Nhắm mắt xây đại

Công trình đang thi công ở đường Bạch Đằng nêu trên thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (gọi tắt là dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất) do Công ty TNHH MTV Phát triển Sài Gòn GS làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Văn Sinh cho hay nhà ông bị giải tỏa một phần để làm đường. Sau khi bàn giao mặt bằng, năm 2013 ông có xin phép xây lại nhà. “Khi xin phép xây dựng ở quận Tân Bình tôi được hướng dẫn nên làm nền nhà cao hơn vị trí tim đường hiện hữu khoảng nửa mét. “Ở đường này thường xuyên bị ngập mỗi khi trời mưa nên tôi xây nhà theo hướng dẫn trên. Ai dè khi làm đường, họ hạ cao độ mặt đường xuống khiến nhà tôi cao chót vót” - ông Sinh lắc đầu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất trên thuộc quản lý của Sở GTVT. Quận chỉ phụ trách việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Quận bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án từ tháng 12-2015 và đến nay chúng tôi vẫn chưa được trao đổi thông tin về cốt nền của mặt đường. Chúng tôi cũng không biết đơn vị thi công sẽ hạ cao độ mặt đường xuống thấp mà chỉ biết được đến tháng 9-2016 công trình sẽ hoàn thành” - vị lãnh đạo này nói.

Trả lời PV, thực tế này có là kinh nghiệm cho quận trong việc hướng dẫn, khuyến cáo người dân xây nhà có độ cao phù hợp, tránh nhấp nhô vừa đảm bảo mỹ quan đô thị và tạo tiện lợi cho sinh hoạt, kinh doanh của người dân, vị này cho biết hiện quận vẫn chưa có quy hoạch về cốt nền. “Vì vậy, khi cấp giấy phép xây dựng cho người dân, quận chỉ có đề nghị người dân xây nhà nên cao hơn mặt đường hiện hữu nửa mét” - vị này nói.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết quận sẽ gửi văn bản đề nghị Sở GTVT thông tin cụ thể về vấn đề cốt nền đường Bạch Đằng bị hạ xuống. Ngoài ra, tại buổi họp định kỳ giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án vào đầu tháng tới, quận sẽ có ý kiến về việc thi công công trình và đề nghị chủ đầu tư cho biết cao độ của cốt nền để thông tin đến người dân.

Ai đúng, ai sai?

Dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất từ sân bay (quận Tân Bình) qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức với tổng chiều dài gần 14 km. Tình trạng nhà trồi so với mặt đường đã xảy ra ở quận Gò Vấp. Ngoài ra, khi các đoạn đường của dự án hoàn thành qua các quận Bình Thạnh, Thủ Đức thì hàng loạt nhà dân hai bên lõm sâu xuống. Nhà dân trồi, sụt như trên xuất phát từ việc họ không có thông tin hoặc hướng dẫn từ cơ quan chức năng khi xây lại nhà.

Phía chủ đầu tư dự án thì cho biết đơn vị tổ chức thi công tuyến đường với cao độ mặt đường hoàn thiện theo thiết kế được duyệt.

Trong khi đó, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT) thì nói cao độ mặt đường của dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất được thực hiện theo đúng quy hoạch của TP.HCM. Toàn bộ dự án được Bộ Xây dựng phê duyệt bao gồm cả xác định cao độ cốt nền đường và Sở GTVT đã thông qua việc thiết kế kỹ thuật. Tuy vậy, hiện nhà thầu đang thi công các công đoạn nên khó xác định được từng trường hợp cụ thể mặt đường cao hơn hay thấp hơn nền nhà hai bên đường để có thông báo, khuyến cáo cho người dân.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP