Nhà dân biến thành... hầm

Cập nhật 14/06/2008 15:00

Không ít ngôi nhà khang trang, sáng sủa ở mặt đường Hà Nội bỗng trở thành những “căn hầm” hoặc nhà “lùn” sau khi tuyến đường rộng rãi, đẹp đẽ được khánh thành.

Có những ngôi nhà thấp hơn mặt đường... gần 2m, không chỉ khiến người dân khốn khổ vì bụi và ngập lội, mà còn gây mất mỹ quan đường phố.

Đường hoàn thành, nhà dân ngập nước

Khi có thông tin dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Lạc Long Quân, người dân tuyến phố này khấp khởi mừng vì thoát khỏi cảnh bụi bặm, lem nhem của một con phố đã xuống cấp. Thế nhưng, khi tuyến đường được đưa vào sử dụng cũng là lúc hàng chục hộ dân rơi vào cảnh chỉ một cơn mưa nhà biến thành ao hoặc nơi chứa nước cống.

Ngôi nhà cao tầng mặt phố của ông Đặng Đình Thắng trước khang trang, đẹp đẽ là thế giờ rơi vào cảnh thấp hơn mặt đường tới hơn 1m. Ông Thắng bức xúc: “Đấy là mấy nhà cùng dãy chúng tôi còn bảo nhau góp tiền để nâng ống cống, nếu không thì dãy phố này thấp hơn mặt đường tận 2 m. Dù có hô hào mọi người tự đóng góp sửa chữa thì tình hình cũng không khả quan hơn, mỗi một trận mưa là nước từ đường, hè chảy tràn vào nhà”.

Trao đổi với PV sáng 12/6/2008, bà Nguyễn Thị Thao ở số 569 Lạc Long Quân phàn nàn: “Ngay khi tuyến đường đang được thi công, nhận thấy sự chênh lệch độ cao giữa đường và nhà, chúng tôi đã kiến nghị lên phường, quận, thành phố nhưng không hề nhận được bất kỳ hồi âm nào. Đến giờ, đường cao hơn nhà có nơi đến cả mét khiến người ra vào khu vực này ngã xoành xoạch. Nhà tôi đã phải tôn nền, sân lên, nếu không thì không thể nào đi lại được”.

Sẽ chất vấn lãnh đạo thành phố

Nhiều ý kiến cho rằng, do người dân xây nhà bừa bãi, không theo cốt đường quy định hoặc xây nhà trước khi có dự án nên dân “phải chịu”. Tuy nhiên, người dân thì cho rằng khi xây nhà họ không hề được cung cấp thông tin về cốt cao độ của đường. Bà Nguyễn Thị Thao khẳng định: “Nhà tôi mãi tháng 4/2003 mới bắt đầu xây trong khi dự án cải tạo đường có từ năm 2000. Chúng tôi không được phường, quận công bố cốt cao độ đã đành, nhưng giấy phép xây dựng của chúng tôi do chính thành phố cấp, cũng không có thông tin về cốt đường mới”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng này không phải là cá biệt ở Hà Nội. Bởi trước đây, đường cao hơn nhà đã từng xảy ra ở khu vực Ngã Tư Sở. Với những thực tế khi giải quyết vấn đề này, trao đổi với PV GĐ & XH, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa bày tỏ:

Cốt cao độ, nếu không bàn giao thì không thể quản lý trật tự xây dựng được. Và khó tránh được bộ mặt mỹ quan đô thị bị nhếch nhác. Ông Trung cho rằng, không nên chỉ bàn giao một điểm như một số nơi đang làm, vì nếu làm như vậy thì không thể có kinh phí dẫn cốt đến từng nhà dân được. Phải bàn giao cốt nhiều điểm để quận phổ biến đến người dân, họ còn biết khi xây nhà thì đến đâu để hỏi về cốt đường. Như vậy mới tránh được tình trạng nhà thấp hơn đường. “Nhưng hiện nay, chủ đầu tư không dẫn cốt, đơn vị thi công cũng không dẫn cốt, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc bên Sở Quy hoạch Kiến trúc”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố nên quy định rõ và chỉ đạo các đơn vị khi cắm mốc giới thì phải bàn giao cốt cao độ cho quận.

Chiều ngày 12/6/2008, trao đổi với PV GĐ & XH, ông Trịnh Đức Hồng (ĐB HĐND tổ Tây Hồ, cán bộ khối dân chính Đảng, TP Hà Nội) cho biết, ông sẽ chuyển tải những bức xúc của dân cư khu vực này đến Thành phố. HĐND tổ Tây Hồ sẽ bàn với quận, xem xét lại thiết kế tuyến đường, kiểm tra xem giữa nhà đầu tư với dân có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện dự án hay không. ĐB Hồng khẳng định: “Đây là vấn đề cần tháo gỡ và cần thiết phải chất vấn trong họp HĐND sắp tới”.

ĐB HĐND TP Vũ Đức Tân lại cho rằng: “Để xảy ra tình trạng này là do liên quan đến vấn đề công khai quy hoạch. Phải công khai thì người dân mới biết, đây là thiếu sót của chính quy trình cải cách hành chính. Dân đã làm đúng thủ tục: xây dựng đúng mốc giới, xin phép xây dựng nhưng vẫn rơi vào tình trạng nhà thành nhà “lùn”, không ra không vào được thì lỗi là ở cơ quan nhà nước”. ĐB Vũ Đức Tân khẳng định, sau khi tiếp nhận được thông tin từ báo GĐ & XH, ông sẽ nghiên cứu kỹ hơn về thực trạng này và sẽ có ý kiến chất vấn UBND TP.

Theo GĐXH