"Nhà container" có phải là nhà?

Cập nhật 11/05/2017 09:24

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thùng container được hoán cải làm nhà ở thì phải xin phép xây dựng

Bà H.T.T.T (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) gửi đơn đến Báo Người Lao Động khiếu nại về việc bị UBND quận 2 ban hành quyết định xử phạt và cưỡng chế tháo dỡ "nhà container" làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Nếu hoán đổi, phải xin phép

Theo bà T., do nhu cầu làm ăn, bà hoán cải container thành nơi kinh doanh dịch vụ cắt tóc tại khu đất ở phường Bình An, quận 2. Tuy nhiên vừa qua, UBND quận 2 ban hành quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng không phép. "Đối chiếu với Luật Xây dựng, việc hoán cải, tạo thành buồng, phòng để ở không phải là công trình xây dựng. Việc lắp đặt thùng container cũng không thuộc hoạt động xây dựng, thùng container không gắn liền với đất thì không phải là bất động sản. Luật không có quy định nào cấm việc hoán cải container làm nhà ở" - bà T. lý giải.

Trên thực tế, không chỉ bà T. mà việc hoán đổi container thành tiệm cắt tóc, văn phòng, quán cà phê... bị cưỡng chế cũng đã từng xảy ra. Điển hình là vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào (huyện Bình Chánh), cải tạo container thành nhà bếp của quán cà phê, bị UBND thị trấn Tân Túc gửi văn bản cưỡng chế cắt nước, cắt điện; ông Trần Văn Tùng (huyện Hóc Môn) kiện UBND xã vì cưỡng chế tháo dỡ container văn phòng của ông do xây dựng trái phép.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, container dùng cho mục đích chứa hàng hóa và vận chuyển hàng hóa thì không phải là công trình xây dựng. Tuy nhiên, nếu container được chủ đầu tư cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng để làm văn phòng, nhà ở, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... (có trổ cửa ra vào, cửa sổ, lắp đặt máy lạnh, quạt máy, thiết bị vệ sinh...) được lắp đặt định vị với đất thì xác định là công trình xây dựng. Nếu không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, xem như xây dựng công trình không phép và phải bị xử lý theo đúng quy định. TP không khuyến khích việc hoán cải container làm nhà ở.


“Nhà container” tại một công trình xây dựng ở quận Bình Tân Ảnh: Trường Hoàng

Pháp luật không thừa nhận

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP HCM), về bản chất, container là một động sản được dùng vào mục đích chứa đựng hàng hóa. Về mặt pháp lý, trước đây, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 2326/BXD-HĐXD ngày 23-9-2014 cho rằng container đặt trên nền đất không phải công trình xây dựng bởi theo khoản 10, điều 3 Luật Xây dựng thì công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình được liên kết, định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác. Còn tại khoản 1, điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 quy định nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Từ các quy định trên, "nhà container" là một dạng biến tướng của nhà ở, tuy nhiên, nó không được xem là một công trình xây dựng do không được liên kết định vị với mặt đất, điều này đồng nghĩa là pháp luật không thừa nhận hình thức nhà ở đối với nhà được làm từ container.

Cần có quy định để quản lý

Luật gia Nguyễn Văn Trường cho rằng việc hoán cải thùng container thành nhà ở hiện rộ lên ở TP HCM và một số tỉnh, thành do nhanh chóng, thuận tiện, rẻ tiền, phù hợp với người có thu nhập thấp, công nhân lao động. "Hiện người dân hoán cải thùng container thành nhà ở nhiều; một số công trình xây dựng sử dụng nhà container cho công nhân, kỹ sư ở… Vì vậy, pháp luật sớm có quy định về "nhà container" để quản lý tốt nhân khẩu, tránh tình trạng chiếm dụng đất đai hoặc phát triển "nhà container" ồ ạt, gây mất mỹ quan đô thị" - ông Trường đề nghị.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ