Nhà công nhân: Người nhà lầu, kẻ chui nhà lá

Cập nhật 05/10/2012 08:55

TPHCM là địa phương thu hút dân nhập cư lớn nhất cả nước, phần lớn trong độ tuổi lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) và một số nhà máy sản xuất phi tập trung. Thời gian qua, vấn đề nhà ở công nhân đã được doanh nghiệp và chính quyền TP quan tâm hơn, nhưng trên thực tế, hàng trăm ngàn lao động thu nhập thấp vẫn chật vật tìm chỗ ở tại những khu nhà trọ tồi tàn.

Quá khổ


Theo thống kê của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, tại các KCX-KCN hiện có khoảng 270.000 lao động đang làm việc, trong đó trên 60% lao động là người nhập cư từ các tỉnh, có nhu cầu thuê trọ. Hiện nay, đa số doanh nghiệp không đầu tư nhà lưu trú, vì vậy hàng trăm ngàn lao động phải thuê nhà trọ của dân để ở.

Điều đáng nói 90% tổng số nhà trọ cho thuê đều nhếch nhác, không đảm bảo quy định về diện tích, không gian sinh hoạt, vệ sinh. Ghi nhận của ĐTTC tại một số khu nhà trọ của dân ở quận 4, Thủ Đức, Tân Bình… cho thấy nhà trọ thường nằm sâu trong những con hẻm sâu, ẩm thấp, đi lại khó khăn.

Mỗi căn nhà trọ rộng chừng 9-10m2 chứa đến 4-5 người, có nơi cả dãy nhà trọ hàng trăm người ở chỉ có 1-2 toilet. Người lao động thuê nhà trọ tự phát trong dân một phần vì giá rẻ, thủ tục đơn giản, giờ giấc sinh hoạt thoải mái, nhưng họ phải đối mặt với thiệt thòi về chất lượng nhà ở, giá điện, nước sinh hoạt và thiếu an ninh.

Chị B.Kh.Vân (quê ở Nghệ An), công nhân ở một xí nghiệp giày da trên địa bàn quận Thủ Đức, than thở: “Mỗi lần trời mưa, nước chảy xối xả vào nhà. Phòng trọ tồi tàn dựng bằng tôn gỉ sét nhưng tiền thuê và chi phí điện nước không dưới 600.000-700.000 đồng/tháng. Tiền lương của chúng tôi không quá 3 triệu đồng/tháng phải trang trải đủ thứ trong thời buổi vật giá leo thang. Khổ quá chúng tôi mới chui vào ổ chuột này”.

Một khu nhà trọ nhếch nhác. Ảnh: MINH TUẤN

Để tháo gỡ về chỗ ở cho người lao động trên địa bàn TP, ngày 28-3-2011, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 18/2011/QĐ-UBND về quy chế cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê trên địa bàn TPHCM.

Hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới nhà trọ công nhân có thể được vay tối đa 70% giá trị hợp đồng thi công nhưng không quá 2,5 tỷ đồng. Trường hợp sửa chữa nhà trọ được vay không quá 1,5 tỷ đồng, thời hạn tối đa 5 năm. Người vay phải là chủ sở hữu của nhà trọ có hộ khẩu TP, có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, có giấy phép kinh doanh nhà trọ cho công nhân, giấy phép xây dựng mới hoặc sửa chữa, có thiết kế dự toán kinh phí xây dựng sửa chữa...

Người vay thế chấp bằng chính quyền sử dụng đất và nhà trọ đang xây dựng, sửa chữa. Mức lãi suất cho vay xây mới, sửa chữa nhà trọ được tính bằng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP (NHTMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, NHTMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh TPHCM), cộng với phí quản lý 2,4%/năm.

Thời gian ân hạn đối với cho vay để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ công nhân tối đa 3 năm và đối với cho vay để xây mới tối đa là 6 tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC, từ khi triển khai chương trình cho vay này, số người nộp hồ sơ vay vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay do quy chế cho vay quá nhiêu khê.

Những điểm sáng

Trong một lần trả lời phỏng vấn ĐTTC vào năm 2010, ông Đoàn Hồng Tâm, nay là Tổng giám đốc CTCP KCN Hiệp Phước - chủ đầu tư KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM), cho biết vừa đưa vào sử dụng một khối nhà lưu trú dành cho công nhân có quy mô 4 tầng lầu, sức chứa 540 người.

Việc đầu tư này thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống ổn định cho người lao động trên vùng đất đang từng ngày hồi sinh. Chính các doanh nghiệp khi đến KCN Hiệp Phước đầu tư cũng muốn công nhân của mình được đảm bảo chỗ ăn ở, sinh hoạt để họ yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Cuối tháng 8-2012, tại KCN Hiệp Phước, tòa nhà lưu trú công nhân thứ hai được xây dựng trên diện tích 4.636m2 với tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng có quy mô 1 trệt, 1 lửng, 4 lầu với tổng số phòng cho thuê là 83 phòng, sức chứa trên 560 người tiếp tục đưa vào sử dụng. Mỗi phòng ở đây dành cho 4 người, 6 người và 8 người.

Tất cả đều được trang bị với đầy đủ tiện nghi như giường, tủ, quạt, hệ thống điện thoại, internet, truyền hình cáp cấp miễn phí... Khu lưu trú này không chỉ đáp ứng tốt về hạ tầng hoàn chỉnh như giao thông, điện, nước mà còn có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho công nhân.

Như vậy với 2 khối nhà lưu trú, KCN Hiệp Phước có khả năng giải quyết 1.100 chỗ ở cho công nhân lao động của khu. Giá thuê phòng chỉ 200.000-250.000 đồng/tháng. Ngoài ra, KCN Hiệp Phước còn xây dựng nhà trẻ dành cho con công nhân. Đây là nhà trẻ công lập đầu tiên, khang trang, đạt chuẩn dành cho con công nhân KCX-KCN của TP với khả năng tiếp nhận 150 cháu.

Công ty Nissei (KCX Linh Trung 1 - TPHCM) cũng vừa khánh thành một block nhà lưu trú dành cho công nhân. Nơi đây, mỗi tầng bố trí 2 máy nước nóng, 4 máy giặt, phòng tắm và phòng vệ sinh riêng. Các đồ gia dụng như tủ, quạt, giường, chiếu trang bị đầy đủ. Mỗi block có thư viện đầy đủ sách, báo, tạp chí. Bên dưới có chỗ chơi cầu lông, phòng karaoke, phòng sinh hoạt tập thể...

Chất lượng cuộc sống tiện nghi nhưng mỗi tháng công nhân chỉ đóng 20.000 đồng. Nissei hiện đã xây dựng 3 block nhà lưu trú với sức chứa khoảng 2.200 người. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, một số doanh nghiệp như CTCP Kỹ nghệ Đô Thành (Củ Chi), Ace Cook (KCN Tân Bình), Công ty Palace (KCX Tân Thuận), Công ty Vạn Đức (KCN Vĩnh Lộc)... vẫn giữ được chân người lao động nhờ tạo được chỗ ở ổn định cho công nhân, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi tiêu.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC