Nhà chọc trời là điềm báo khủng hoảng kinh tế

Cập nhật 16/01/2012 09:10

Báo cáo mới nhất của Barclays Capital cho thấy một mối liên hệ khá kỳ lạ giữa việc xây dựng các tòa cao ốc với những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử.

Hàng loạt ví dụ đã được chuyên gia của Barclays đưa ra, trong đó có cả việc xây dựng tòa nhà Empire State tại New York (Mỹ) ngay trước cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Tòa nhà cao nhất thế giới hiện tại - Burj Khalifa cũng là một ví dụ tương tự khi được hoàn thành ngay trước cuộc khủng hoảng nợ tại Dubai, cuối năm 2009.

Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa được hoàn thành ngay trước khi Dubai rơi vào khủng hoảng nợ. Ảnh: HDW.

“Việc những kỷ lục thế giới về nhà cao tầng bị phá thường mở đầu cho thời kỳ bùng nổ của thị trường bất động sản, kéo theo sự mất cân bằng về vốn giữa các lĩnh vực đầu tư. Đây chính là căn nguyên của khủng hoảng”, chuyên gia của Barclays Capital nhận định với hãng tin BBC.

Ngoài 2 ví dụ điển hình đã nêu ở trên, hàng loạt dẫn chứng khác cũng được Barclays viện dẫn để cho thấy nhiều tòa nhà cao nhất thế giới được hoàn thành ngay trong “đêm trước” của khủng hoảng. Equitable Life – tòa nhà được biết đến như là cao ốc đầu tiên của thế giới - mở cửa năm 1873 tại New York và ngay sau đó là cuộc suy thoái kéo dài 5 năm tại Mỹ.

Những tòa nhà cao nhất thế giới


Tương tự là trường hợp của tòa nhà Willis tại Chicago (được biết đến nhiều hơn với cái tên Tháp Sears) khi được hoàn thành năm 1974, ngay trước khi cú sốc về giá dầu và giá vàng. Gần hơn là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 diễn ra ngay sau khi tòa tháp đôi Petronas của Malaysia hoàn thành.

Những dẫn chứng này không khỏi khiến người Anh lo ngại khi nước này đang tiến hành xây dựng tòa cao ốc mang tên Shard, dự kiến sẽ là công trình cao nhất tại Tây Âu (cao 310 mét). Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Barclay, mối quan ngại được dành nhiều hơn cho Trung Quốc và Ấn Độ với sự bùng nổ của thị trường cao ốc trong thời gian gần đây.

Ngôi nhà đắt nhất thế giới của tỷ phú Ấn Độ tại Mumbai. Ảnh: Dailymail.

Chiếm 53% các công trình cao tầng đang được xây dựng trên toàn cầu, Trung Quốc hiện phải đối mặt với nguy cơ bong bóng bất động sản thực sự sau một thời gian dài mở cửa cho tín dụng bất động sản. Trong một báo cáo khác của JPMorgan Chase, ngân hàng này dự báo thị trường bất động sản tại các thành phố lớn Trung Quốc sẽ mất giá khoảng 20% trong vòng 12-18 tháng tới.

Tương tự với Ấn Độ khi hiện chỉ sở hữu 2 trong số 276 tòa cao ốc của thế giới. Tuy nhiên, theo Barclay, trong vòng 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên 14. Đáng chú ý có tòa cao ốc là nhà riêng của tỷ phú Mukesh Ambani đang được xây dựng tại Mumbai. Tuy chỉ có 27 tầng nhưng tòa nhà cần đến 600 nhân viên để vận hành. Chính sự phức tạp này đã đưa chi phí xây dựng lên tới hơn một tỷ USD và được coi là tư dinh đắt nhất thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress