Thị trường nhà ở cho thuê được xem là rất lớn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng lâu nay vẫn phó mặc hoàn toàn cho người dân “tự sản, tự tiêu”. Hiện nay, Hà Nội mới có duy nhất một dự án nhà cho thuê do ngân sách Nhà nước bỏ vốn đầu tư 515 căn hộ.
Những xóm trọ tự phát như thế này mọc lên rất nhiều ở vùng ven Hà Nội
|
Quen thói “mì ăn liền”
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, phân khúc bất động sản cho thuê hiện có quá ít doanh nghiệp tham gia. Số căn hộ cho thuê có mặt trên thị trường hiện nay đa số là căn hộ cao cấp và chủ yếu phục vụ những người có tiền hoặc người nước ngoài. Trong khi đó, số lượng khổng lồ những người độc thân, học sinh, sinh viên, gia đình trẻ hay những người từ địa phương khác tới Hà Nội sinh sống, làm việc... rất cần thuê nhà lại bị doanh nghiệp bỏ quên. Những người này buộc phải tìm tới những địa chỉ thuê nhà trong dân. Tại các huyện vùng ven hay khu vực có nhiều trường đại học ở Hà Nội, qua nhiều năm, đã hình thành nhiều “xóm” trọ tự phát để phục vụ các đối tượng này.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận, TP Hà Nội không có doanh nghiệp nào đăng ký xây dựng nhà ở cho thuê trong khi phát triển loại hình này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt. Sau hơn 5 năm triển khai Luật Nhà ở, tới nay, Hà Nội mới thí điểm quỹ nhà xã hội theo hình thức cho thuê với quy mô hết sức khiêm tốn - 515 căn hộ, tại Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Dù số lượng cực ít, nhưng do quy chế “tuyển lựa” ngặt nghèo, ở thời điểm hiện tại, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội mới ký hợp đồng thuê nhà và bàn giao căn hộ cho 269 hộ gia đình. Số căn hộ còn lại (246 căn) đang phải chờ hội đồng xét duyệt hồ sơ, chuẩn bị trình UBND TP quyết định.
Lý giải vì sao các doanh nghiệp, nhà đầu tư thờ ơ với lĩnh vực này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, doanh nghiệp không mặn mà bởi tâm lý lo ngại đầu tư bạc tỷ nhưng phải thu tiền lẻ. Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, do trước nay, loại hình nhà ở cho thuê không có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay trong khi quá trình thu hồi vốn kéo dài, nên doanh nghiệp ngại khó khăn, không muốn làm. Bản thân việc kinh doanh nhà ở cho thuê lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp rất dễ phải đối mặt với tình trạng người thuê nhà không có khả năng chi trả hoặc cố tình chây ỳ, không thanh toán tiền thuê nhà. Chính sách pháp luật hiện hành cũng chưa có chế tài bảo hộ cho nhà đầu tư trong những trường hợp như vậy. Thêm vào đó, chính các doanh nghiệp bất động sản đã quen làm ăn kiểu “mì ăn liền” thông qua việc xây nhà để bán nên họ không hứng thú với phân khúc xây nhà cho thuê vì thu hồi vốn chậm.
Cần điều chỉnh chính sách
Trước tình hình “bi bét” của thị trường nhà ở cho thuê, mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất; được miễn, giảm thuế thu nhập từ hoạt động cho thuê nhà ở; được vay vốn ưu đãi hoặc được bù lãi suất khi vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, được vay vốn từ các quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở (nếu có). Ngoài ra, dự án nhà cho thuê còn được tăng hệ số sử dụng đất lên 1,3 lần so với tiêu chuẩn quy hoạch hiện hành; được sử dụng tầng 1 nhà chung cư để kinh doanh thương mại nhằm giảm giá cho thuê nhà ở.
Sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày bàn giao đưa nhà ở vào sử dụng cho thuê, chủ sở hữu nhà ở thương mại cho thuê được quyền bán nhà ở cho thuê. Đương nhiên, khi bán, những trường hợp được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở cho thuê sẽ chỉ phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo giá quy định cho Nhà nước... Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ quy định các dự án nhà ở phải dành một tỷ lệ nhất định (ít nhất 15%) diện tích đất để xây nhà cho thuê.
Ở phía ngược lại, để bảo vệ quyền lợi của người thuê, Bộ Xây dựng kiến nghị, người thuê nhà ở được nộp tiền thuê nhà theo định kỳ hàng tháng hoặc theo thỏa thuận, nhưng tối đa không quá 1 năm/lần. Đặc biệt, chủ sở hữu nhà ở xã hội chỉ được tăng giá thuê nhà ở tối thiểu 3 năm/lần và mỗi lần tăng không vượt quá 15% giá thuê nhà ở ghi trong hợp đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô