Nhà cho người thu nhập thấp và câu chuyện "nghèo thật, nghèo giả"

Cập nhật 15/07/2014 09:35

Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp (TNT), tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó để người thu nhập thấp (TNT) thực sự đạt được nguyện vọng.

Nhà ở thương mại vẫn được các DN ưu tiên đầu tư. Ảnh minh họa- Hương Dịu.

Khó xác định người TNT

Các chuyên gia có mặt tại diễn đàn về nhà ở do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức mới đây đều có chung nhận định, trong bối cảnh nước ta hiện nay, bài toán nhà ở dành cho người TNT phải rất lâu nữa mới có thể tìm ra lời giải xác đáng, vấn đề này cần sự quan tâm và vào cuộc của nhiều bên.

Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất hay chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất lại là việc xác định và phân chia nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi về vay mua nhà TNT. Theo ông Lê Đình Tri – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Bộ Xây dựng, vấn đề về nhà dành cho người TNT được ra đời với nhiều kỳ vọng nhưng thực tế đang vướng phải nhiều khó khăn khi không xác định được nghèo thật và nghèo giả.

Ở Việt Nam, những khoản không phải lương chưa minh bạch, luôn là một ẩn số để có thể định danh, định lượng được chính xác ai là người TNT. “Sợ nhất là sản phẩm này rất dễ rơi vào nhóm người hưởng lợi, giả nghèo giả khổ”, ông Tri nói.

Còn theo bà Phạm Quỳnh Hương, Viện Xã hội học, những khó khăn này chính là rào cản để người TNT thực sự tiếp cận được với tín dụng nhà ở, thực sự khó để họ có thể chứng minh được là người TNT.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, các đối tượng thuộc diện được thuê mua nhà ở xã hội phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng không thuộc diện phải nộp thuế Thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế Thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, đối tượng thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải đáp ứng các điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 8 m² sàn/người hoặc là nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát mà chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức.

Chính vì thế, ông Lê Đình Tri cho rằng, đối tượng được ưu đãi về nhà ở TNT càng được chia nhỏ ra càng tốt, càng dễ nhận diện. Nếu không thì dù áp dụng cách làm nào thì cũng không thể giải quyết được bài toán này trong 10 năm tới.

Gian nan tìm lời giải

Theo ông Lê Đình Tri, để giải quyết bài toán, trước hết phải định được người TNT ở Việt Nam là ai. Bên cạnh đó, Nhà nước nên đưa ra “chính sách mềm”, tức là văn bản dưới luật để những người thực sự cần nhà dễ dàng tiếp cận hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, Nhà nước phải có những thống kê chính xác, hơn nữa, phải là thống kê đa ngành, đa lĩnh vực, tích hợp được các dữ liệu về: dân số, lao động, thu nhập, quy hoạch… Để từ những thống kê này, Nhà nước mới có thể đưa ra những chính sách, định hướng, đặc biệt là mô hình, giải pháp để giải quyết không chỉ vấn đề nhà ở TNT. “Phải có một cuộc cách mạng mới thay đổi được”, ông Nguyễn Thành Công nhận định.

Bên cạnh những vấn đề về cơ chế chính sách, bà Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia đưa ra giải pháp sử dụng nhà ở phát triển từ cộng đồng, thay vì vay vốn thế chấp thì có thể chuyển sang vay vốn tín chấp dựa trên sự xác thực đáng tin cậy của cộng đồng. Bên cạnh đó, bà Loan cũng chỉ ra rằng, Nhà nước có thể hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn đất, đắt hay rẻ phải nhìn dưới khả năng hữu dụng của miếng đất, để từ đó người TNT có thể tự lo nhà ở bằng vốn của mình. Đối với họ, một túp lều khoảng 20 triệu đồng cũng đủ để gọi là nhà. Điều này sẽ góp phần giải quyết được bài toán an sinh xã hội ở vùng ven.

Cùng với đó, tại diễn đàn, ThS.KTS Trần Ngô Đức Thọ - Nghiên cứu sinh tại Trường Kiến trúc, Đại học Texas A&M, Mỹ đã mang đến những kinh nghiệm và cách làm của Mỹ để giải bài toán nhà TNT. Theo đó, Chính phủ Mỹ xác định các nhóm đối tượng được hưởng nhà ở TNT dựa trên “Thu nhập bình quân địa phương” để đưa ra mức giá phù hợp.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ còn đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau về nhà ở, căn hộ TNT thường bằng 50-60% diện tích nhà ở thương mại với cùng số phòng ngủ. Cùng với những phân chia này, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về chi phí, giảm thuế dành cho chủ đầu tư và người mua hoặc thuê nhà ở TNT bằng nhiều phương thức như: hỗ trợ trực tiếp vốn cho dự án, hỗ trợ gián tiếp vốn cho chủ đầu tư, hỗ trợ đất đai, miễn thuế, phí hoặc hạ tiêu chuẩn quy hoạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều đánh giá, sự khác biệt về văn hóa và chính trị giữa Việt Nam và Mỹ là rất lớn, nên nếu muốn làm theo thì phải có sự chọn lọc kỹ càng. Chính ThS.KTS Trần Ngô Đức Thọ cũng cho rằng, thực tế thị trường nhà ở của mỗi nước đều khác nhau, nước Mỹ họ làm được nhờ cơ chế rất minh bạch và công khai, ở Việt Nam mấu chốt đầu tiên là thu nhập thực của người dân là bao nhiêu cũng chưa làm được. Tuy nhiên, nếu nước ta tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học, tiếp cận được những con số thống kê chính xác về nhà ở thì vẫn có thể thực thi.


-DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan