Được làm chủ một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính đối với người có thu nhập thấp là một mơ ước chính đáng, thế mà có người bao nhiêu năm nay nơi chốn đi về vẫn chỉ là một chỗ tạm bợ.
Cả nước có hơn 1,4 triệu cán bộ, công chức và khoảng 800.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó trên dưới 300.000 người có khó khăn về nhà ở. Điều này cho thấy, nhà ở cho người thu nhập thấp đang là một tiềm năng lớn, nhưng lại không được các nhà đầu tư chú ý nhiều bằng việc xây dựng các căn hộ cao cấp cho người có thu nhập cao, trong khi việc giải quyết nhu cầu an cư cho người thu nhập thấp hầu như lệ thuộc vào các chương trình của Chính phủ. Nhưng thực chất của các chương trình ấy ra sao?
Mấy năm qua, Chính phủ chấp thuận cho ba địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương làm thí điểm nhà xã hội, tức nhà dành cho những người có thu nhập thấp. Hà Nội có bốn dự án gồm 1.564 căn hộ với vốn đầu tư 50 tỉ đồng, cho đến nay mới hoàn thành 168 căn cho 1.700 công nhân thuê để ở. Bình Dương thì cả 12 dự án với khoản đầu tư 194 tỉ đồng đến nay vẫn chưa triển khai.
Người ta có thể nêu ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự chậm trễ ấy. Nào là thủ tục hành chính nhiêu khê, chính sách thuế nhà đất chưa phù hợp, quỹ nhà đất của Chính phủ chi nhỏ giọt và một số quy định không hợp lý trong việc xây dựng nhà cho người thu nhập thấp.
Chẳng hạn trong khi rất nhiều người chỉ cần nhà có diện tích nhỏ (khoảng 30-35m2) để phù hợp với túi tiền eo hẹp của mình, Bộ Xây dựng lại quy định diện tích nhà ở tối thiểu phải 45m2. Hoặc trong khi diện tích dành cho xây dựng nhà ở còn quá thiếu thì Luật nhà ở quy định nhà xã hội (dành cho đối tượng có thu nhập thấp) chỉ được xây tối đa sáu tầng. Điều kiện này chỉ có thể thực hiện được ở những khu vực còn đất trống tại ngoại thành, không phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp đang lệ thuộc vào công việc kiếm sống ở các khu thị tứ nội thành.
Đây là một số trong rất nhiều lý do giải thích tại sao thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp chưa hấp dẫn các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Để giải tỏa áp lực nhà ở, tạo điều kiện cho dân nghèo đô thị có thể làm chủ một căn nhà thì rất cần sự điều chỉnh những quy định có tính cứng nhắc như lâu nay.
Một vài công ty xây dựng và địa ốc cho biết hiện rất nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ khoảng 30-40m2 mà thôi, trong đó bao gồm người độc thân, người già, sinh viên mới ra trường, kể cả hơn 90.000 cặp vợ chồng trẻ ở TP.HCM cũng có nhu cầu tương tự. Đến khi điều kiện kinh tế được cải thiện thì họ có thể bán nhà nhỏ mua nhà lớn hơn.
Các doanh nghiệp kinh doanh nhà cũng đề nghị không nên khống chế chiều cao đối với các dự án nhà xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp. Được vậy sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này, một khi họ thấy có thể tìm được lợi nhuận thỏa đáng.
Trong tình hình chống lạm phát hiện nay, biện pháp hạn chế tín dụng đối với kinh doanh bất động sản là hợp lý, nhưng việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp lại là hoạt động kinh doanh có tính xã hội cao, do đó rất cần được hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng cũng như từ các khoản vay của những định chế quốc tế, đồng thời nên mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.
Khi mức cung đã tăng lên thì mức cầu nhà ở sẽ không còn là một áp lực, từ đó giá nhà có thể hạ thấp so với hiện nay. Đó cũng là một giải pháp làm hạ nhiệt thị trường bất động sản và góp phần đáng kể vào việc chống lạm phát.