Nhà cho người nghèo: Nơi có - nơi không?

Cập nhật 20/07/2012 16:10

Trong 4 năm qua, hơn nửa triệu hộ nghèo có nhà là tổng kết của Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở công bố ngày 19.7. Tuy vậy, theo khảo sát của Báo Lao Động, hàng vạn công nhân - một trong những đối tượng nghèo thành thị - vẫn đang ở trong những khu trọ lụp xụp.

Một khu nhà mới cho người nghèo. Ảnh: Giang Huy

Hơn nửa triệu hộ nghèo có nhà


Chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tổ chức ngày 19.7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chương trình 167 là điểm sáng trong tiến trình xây dựng đất nước.

Nhà nước hỗ trợ - nhân dân hưởng ứng

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS Trịnh Đình Dũng, tháng 12.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách (trung ương và địa phương) mỗi hộ 7,2-8,4 triệu đồng, cho vay với lãi suất ưu đãi (3%) từ Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, dòng họ và đóng góp của bản thân để xây dựng ngôi nhà diện tích khoảng 24m2, có tuổi thọ tối thiểu là 10 năm. Ban đầu, chương trình đặt ra mục tiêu trong 4 năm (2009 - 2012), thực hiện hỗ trợ nhà ở cho trên 500.000 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn.

Nhiều công nhân phải ở thuê trong các khu nhà trọ chật hẹp. Ảnh: Chí Công

Theo báo cáo, trong tổng số vốn đã giải ngân là 11.945 tỉ đồng thì có trên 4.000 tỉ đồng là vốn huy động từ người dân và cộng đồng. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định, đa số từ 28 - 32m2, nhiều căn nhà có diện tích 50 - 60m2. Giá thành căn nhà đa số từ 25 - 28 triệu đồng, nhiều căn có giá thành 50 - 60 triệu đồng.

Phải tiếp tục nhân rộng 167

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị. Thủ tướng khẳng định, chương trình phù hợp với lòng dân, thiết thực với đời sống nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chăm lo cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là về nhà ở, luôn là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Biểu hiện là thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều hạng mục đầu tư công phải cắt giảm để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội không hề bị cắt giảm, thậm chí còn gia tăng" - Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và toàn dân cần rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế của chương trình ở giai đoạn I để sang giai đoạn II triển khai hiệu quả hơn.

Khu nhà ở cho công nhân của Cty Canon (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bên cạnh nhà cho người nghèo, nhà cho người có công với cách mạng, cần đặc biệt quan tâm tới nhà thu nhập thấp ở các đô thị và 8 nhóm đối tượng trong Chiến lược nhà ở. Thủ tướng yêu cầu đưa ra các cơ chế chính sách để người lao động mua được dưới hình thức trả góp, bởi thực tế hiện nay, những người thu nhập thấp không thể mua căn hộ với giá như hiện nay. “Nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua cơ chế chính sách thì với giá nhà hiện nay, người làm công ăn lương khó có thể mua được nhà. Để làm được điều này, mỗi năm chúng ta có thể trích một phần từ tiền thu sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội, lo cho người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015. Các địa phương cũng kiến nghị khi triển khai nên gọi là Chương trình 167 giai đoạn 2. Theo đó, cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011 - 2015 sẽ có điều chỉnh, bổ sung một số quy định để bảo đảm phù hợp hơn với thực tế.

Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra, trong đó 9 tỉnh đã hoàn thành trước 2 năm và hầu hết các tỉnh hoàn thành chương trình sớm trước 1 năm. Kết quả thực hiện Chương trình 167 giai đoạn I đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 507.143 hộ, trong đó có 224.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số - đạt 102,2% so với số hộ phê duyệt ban đầu. Chương trình đã huy động được 12.653 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương chiếm 33,6%; vốn ngân sách địa phương chiếm 5,7%; vốn huy động từ các nguồn khác 32,4%...

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động