Nhà cho người có thu nhập thấp - 200 triệu đồng/căn là khả thi

Cập nhật 02/04/2009 08:25

Làm thế nào để huy động được sức mạnh tổng lực của xã hội tham gia chủ trương lớn phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp? Dưới đây là ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc - lực lượng giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà ở.

* Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Với những cơ chế thông thoáng theo kiến nghị của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp (DN) có thể tham gia để xây dựng nhà ở giá thấp. Hiện một số DN đã thực hiện các dự án nhà ở giá thấp và đã có sản phẩm trên thị trường với giá dưới 200 triệu đồng/căn hộ 50m² là nhờ họ đã có sẵn quỹ đất, cộng với việc áp dụng công nghệ xây dựng mới có giá thành thấp hơn so với cách truyền thống…

Ở TPHCM thì việc này không dễ chút nào. Với đặc thù của một TP có giá trị đất đắt đỏ, chi phí dành cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng rất cao. Nhất là sắp tới, khi giá đền bù phải theo giá thị trường cộng với chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất thì việc tạo quỹ đất xây dựng NƠXH tốn chi phí càng lớn, DN sẽ khó kéo giá thành sản phẩm xuống thấp được. Do đó, để làm được nhà ở giá thấp, cần phải giải được “ẩn số” quỹ đất - làm sao để kéo giá đền bù xuống.

Theo tôi, Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho các DN, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị những chính sách rất thoáng. Do đó, DN mong Chính phủ sớm thông qua để các DN triển khai vào thực tế, rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

* Ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà Việt Nam:

Nhà giá 200 triệu đồng/căn là khả thi

Theo tôi tính, giá xây dựng của chung cư 5 tầng, nền đất trung bình là 3,5 triệu đồng/m², tuy nhiên phải trừ đi diện tích hành lang, cầu thang thì giá thành lên 4,1 triệu đồng/m². Khoản chi phí phải cộng nữa là 10% của thiết kế, quản lý dự án, giám sát tức là 410.000 đồng/m². Như vậy tổng giá thành của căn hộ chung cư là 4,51 triệu đồng, nhưng chỉ là thô, tức là chưa có sơn, cửa, gạch lót nền, thiết bị vệ sinh, đèn điện… Do vậy, nếu nói căn hộ giá thành 200 - 300 triệu đồng với cách xây dựng hiện nay là không khả thi.

Tuy nhiên, tại thành phố có thể làm được theo mô hình chung cư tái định cư tại khu vực Tân Hóa Lò Gốm. Kiểu nhà này do một tổ chức của Hà Lan tài trợ, xây dựng 1 trệt 3 lầu, móng bằng cừ tràm, thông thoáng, chắc chắn, giá thành xây dựng là 3,3 triệu đồng/m². Khu vực xây nhà giá thấp phải hơi xa trung tâm thành phố như ở Nhà Bè, quận 9, hoặc có nền đất cứng như ở Thủ Đức, giá đất trung bình khoảng 700.000 đồng/m². Khi đó giá thành tiền xây dựng và tiền đất khoảng 4 triệu đồng/m², căn hộ diện tích 50m² có giá 200 triệu đồng là hoàn toàn khả thi!

* Ông Trần Mạnh Châu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn:

Bài toán nan giải

Làm thế nào để DN ở các thành phần kinh tế có thể tham gia là bài toán nan giải. Khó khăn thứ nhất là quỹ đất, hiện nay nếu triển khai dự án, DN tự thực hiện công tác đền bù giải tỏa thì sẽ gặp khó khăn trở ngại về vốn. Đề nghị nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Thứ hai, việc xây nhà chung cư cho người thu nhập thấp khống chế 5 tầng là chưa hợp lý đối với điều kiện của TPHCM (vì giá đền bù giải tỏa rất cao) nên cho phép tăng thêm tầng cao để hệ số sử dụng đất đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, các thủ tục pháp lý liên quan đến việc đầu tư, xây dựng, kiểm toán, hoàn công… còn khá phức tạp; việc thu hồi vốn của doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Do đó, muốn các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cần phải có các giải pháp hỗ trợ hết sức cụ thể, phù hợp với tình hình của TP.



Nhu cầu nhà ở xã hội tại TPHCM rất cao. Ảnh: Huy Anh.


* Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành:

Nên có 2 loại nhà ở xã hội

Quy định người có thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng được mua nhà ở giá thấp theo tôi là không khả thi. Cho dù, có trích 20% số lương (khoảng 300.000 đồng/tháng) thì người dân cũng không thể đóng tiền mua nhà.

Giả sử, một căn nhà giá 300 triệu đồng, người dân phải trả trước 100 triệu, 200 triệu còn lại được vay để trả dần. Với lãi suất khoảng 1%/tháng, chỉ tính lãi suất không thì người mua đã phải trả khoảng 2 triệu đồng/tháng rồi. Với thu nhập như thế thì người dân chỉ có thể thuê nhà để ở mà thôi.

Để nhanh chóng có được sản phẩm NƠXH, Nhà nước cần đồng hành với DN trong khâu đền bù giải tỏa và cải cách mạnh khâu thủ tục hành chính. Theo tôi, cho dù là nhà ở giá thấp thì cũng phải đảm bảo được các tiêu chí về chất lượng và các tiện ích tối thiểu.

Chính vì thế, về cơ chế, theo tôi phải có 2 loại NƠXH: đó là NƠXH Nhà nước (đất sạch, duyệt các thủ tục quy hoạch kiến trúc, đấu thầu để chọn nhà đầu tư) và NƠXH thương mại (DN tự đền bù, bán theo giá thỏa thuận). Hiện giá NƠXH nhà nước giá từ 8 - 10 triệu đồng/m², giá NƠXH thương mại cao hơn 10%-20% nhưng đảm bảo được các tiêu chí chất lượng và người dân có thể ổn định cuộc sống.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng