Nhà bên trái đường giảm giá!

Cập nhật 05/10/2007 09:00

Giá nhà đất tại một số tuyến đường ở TP.HCM đã giảm 5 - 15% tùy khu vực, sau khi Sở Giao thông công chính TP.HCM chuyển thành đường một chiều.

Không chỉ đường hai chiều phân luồng còn một chiều, một số đường hai chiều có dải phân cách cũng không cao giá bằng.

Nhà bên phải lợi, bên trái thiệt

Theo khảo sát của chợ địa ốc ACB, đường Nguyễn Thị Minh Khai trước thời điểm phân luồng một chiều vào khoảng 12 - 14 lượng vàng/m2.

Nhưng ông Võ Đình Quốc, phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB, dự báo với việc phân luồng thành đường một chiều gần đây (đoạn từ Trương Định đến Phùng Khắc Khoan) có thể làm giá đất đoạn đường này chựng lại hoặc giảm so với trước đó. Tương tự là các tuyến đường trung tâm khác cũng phân luồng một chiều như Võ Văn Tần, Trần Quốc Thảo...

Một cán bộ Sở Tài chính TP phân tích: hai tuyến đường có điều kiện như nhau nhưng giá đất đường hai chiều luôn cao hơn đường một chiều.



Cùng trên tuyến đường một chiều thì giá
 nhà đất hai bên đường sẽ khác nhau.

Lý do là đường hai chiều thuận lợi về giao thông, có thể mở kinh doanh nên khả năng sinh lợi cao hơn... Trừ trường hợp đường hai chiều mà “vướng” con lươn phân luồng giao thông thì giá nhà đất của cả khu vực cũng bị ảnh hưởng.

Cùng trên tuyến đường một chiều thì giá nhà đất hai bên đường cũng khác nhau. Ông Nguyễn Vĩnh Hùng, giám đốc Trung tâm Thẩm định và bán đấu giá tài sản TP, cho biết giá nhà ở bên phải đường thường cao hơn bên trái đường khoảng 10% do điều kiện kinh doanh của nhà ở bên phải đường thuận lợi hơn.

Vì lẽ đó khi phân luồng một chiều, giá đất bên trái đường thường bị ảnh hưởng ngay, trong khi giá bên phải giảm chậm hơn hoặc không giảm. Ông cũng thông tin: thông thường giá đất ở các đường phân luồng giảm từ 5-15% so với trước đó, tùy theo bên “thuận” hay bên “nghịch”.

Đôi khi việc phân luồng không chỉ ảnh hưởng đến giá đất tuyến đường đó mà còn liên quan đến những đường xung quanh. Một chuyên gia về thẩm định giá cho rằng nguyên tắc khi phân tuyến đường này thành một chiều thì phương tiện lưu thông sẽ “dạt” sang những tuyến đường xung quanh nhiều hơn, khiến mật độ lưu thông các tuyến đường này tăng lên.

Mà trong kinh doanh, ngoài các yếu tố ưu thế về vị trí, đặc điểm ngành hàng... thì xe cộ lưu thông nhiều cũng là yếu tố thuận lợi. Trừ trường hợp tuyến đường đó thường xuyên ùn tắc giao thông, gây tiếng ồn hoặc thường xuyên ô nhiễm thì giá nhà đất sẽ không tăng.

Có điều chỉnh giá đất?

Một cán bộ tham gia xây dựng bảng giá đất trên địa bàn TP nhiều năm qua cho biết trước nay khi xây dựng bảng giá đất, các cơ quan chức năng không phân chia ra hai giá bên phải, bên trái của đường một chiều. Giá đất chỉ qui định chung cho từng đoạn, tuyến đường và dựa vào giá mua bán thực tế để làm căn cứ. Theo cán bộ này, trường hợp giá đất nơi đó bị giảm mạnh do việc phân luồng thì khi làm bảng giá đất mới bộ phận thẩm định sẽ tính đến yếu tố này.

Ông Nguyễn Vĩnh Hùng đề xuất giá đất do Nhà nước ban hành trong thời gian tới cần phải điều chỉnh cho sát với giá thị trường như qui định. Khi đó cơ quan đưa ra giá đất sẽ cân nhắc tất cả điều kiện liên quan, đặc biệt đối với các tuyến phân luồng thành đường một chiều.

Nhưng nếu bảng giá đất mới vẫn giữ khoảng cách 30 - 50% (mức bình quân) so với giá thị trường như hiện nay thì không nhất thiết phải điều chỉnh giá ở những đường một chiều. Vì theo ông Hùng, xu hướng giá đất ngày càng tăng, do vậy lấy lại bảng giá đất của các tuyến đường hiện nay để áp dụng cho qui định mới là hợp lý.

Trung tâm TP sẽ thêm đường một chiều Sau các tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh...(quận Bình Thạnh), gần đây việc phân luồng đường một chiều đã "tiến" vào khu trung tâm như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo... Tuy nhiên theo Sở GTCC, các đường trung tâm trên nằm trong kế hoạch phân luồng một chiều 19 tuyến đường thuộc tám khu vực ở trung tâm TP mà Sở GTCC TP vừa trình UBND TP, nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Sắp tới sẽ tiếp tục phân luồng một chiều các đường Cao Thắng - Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng...

Theo Tuổi Trẻ