Nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA cho dự án metro Bến Thành – Suối Tiên

Cập nhật 13/05/2018 09:59

Theo ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các vấn đề chung trong quá trình thực hiện của nhiều dự án ODA trong đó có dự án đường sắt đô thị TP. HCM tuyến số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên vẫn là sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt từ các cơ quan Chính phủ Việt Nam.


Để dự án có thể tiếp tục thi công, chính quyền TP.HCM đã tạm ứng 1.673 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu. Ảnh: Internet.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) khởi công tháng 8/2012, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2020. Tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Tính đến cuối tháng 2/2018, dự án chỉ mới đạt khoảng hơn 50% khối lượng và giải ngân đạt khoảng hơn 30% vốn.

Lý giải về sự chậm thanh toán tại các dự án ODA, ông Konaka Tetsuo cho biết, hiện nay, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt đô thị TP. HCM tuyến số 1 vẫn chưa được Quốc hội phê duyệt. Do vậy, ngân sách 2.860 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ yên) dành cho các khoản vay ODA trong năm 2018 của TP. HCM chưa bao gồm vốn dành cho đường sắt đô thị. Dự kiến, việc điều chỉnh mức đầu tư sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5/2018.

Đồng thời, tại Việt Nam, Quốc hội đã ra quyết định về mức trần giới hạn tỷ lệ nợ công (65% GDP) vào năm 2012. Từ năm 2015, Chính phủ đã đặt mức giới hạn vay tối đa trong 1 năm đối với các dự án vốn vay ODA.

Thêm vào đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt vào tháng 11/2016 thể hiện chính sách tăng cường kiểm soát nợ công ở mức cao hơn, dẫn đến việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA, trong đó có các dự án của JICA.

Để dự án có thể tiếp tục thi công khi Chính phủ thắt chặt vay nợ, chính quyền TP.HCM đã tạm ứng 1.673 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu. Số tiền mà chính quyền TP.HCM tạm ứng chỉ mang tính tình thế và không thể khơi thông được nguồn vốn ODA.

Việc ứng trước lần thứ tư (khoảng 5 tỷ yên) cũng đã được UBND TP. HCM chấp thuận và JICA hy vọng có thể giải quyết được sớm khoản chậm thanh toán 270 triệu yên (tính đến cuối tháng 3/2018).

Một trong những nguyên nhân nữa trong việc chậm trễ tiến hành thi công tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng như nhiều dự án ODA khác (bao gồm dự án vốn vay, dự án viện trợ không hoàn lại và dự án hợp tác kỹ thuật) theo Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam Takahashi Junko là do sự chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính và tiến hành đấu thầu.

Trong tương lai, để dự án ODA của Nhật Bản được thực hiện thuận lợi và nhanh chóng, đạt hiệu quả, JICA đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục để nhanh chóng đưa ra những quyết định về phân bổ ngân sách và đơn giản hóa thủ tục.

Trong năm 2017, nhiều dự án quan trọng sử dụng nguồn vốn ODA đã được các đơn vị của Việt Nam và Nhật Bản triển khai và hoàn thành. Điển hình là dự án xây dựng Cảng quốc tế Lạch Huyện, cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc cùng cầu vượt biển dài 5,44 km Đình Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), công trình đã thông xe tháng 9/2017. Dự kiến cảng Lạch Huyện sẽ khai trương vào 13/5/2018.

Dự án tiếp theo là cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà nẵng - Quảng Ngãi, thực hiện bằng nguồn vốn ODA và vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Trong đó đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thông xe tháng 8/2017.

Ngoài ra, còn nhiều dự án nổi bật sử dụng nguồn vốn ODA khác như nhà máy nhiệt điện Thái Bình, thủy điện suối Mơ cũng như nhiều dự án hợp tác về đào tạo nhân lực, y tế, môi trường, nông nghiệp, phòng chống thiên tai ...

Hiện Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia nhận nhiều vốn vay ODA nhất. Xét về tổng lượng giá trị giải ngân, Việt Nam xếp sau Ấn Độ, nhưng về giá trị giải ngân ròng, Việt Nam đang là nước nhận nhiều ODA nhất thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan