Nguy cơ “bể” dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Cập nhật 09/04/2008 11:00

Tiến độ thực hiện nhiều gói thầu trong dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) hiện rất chậm khiến dự án có nguy cơ đổ bể.

Nhiều gói thầu bị chậm

Theo hiệp định tín dụng ký kết với WB, lẽ ra dự án đã kết thúc vào ngày 31.12.2007. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án rất chậm khiến thời điểm kết thúc hiệp định dự kiến gia hạn đến ngày 31.12.2009.

Trong dự án, gói thầu số 7 (tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm) là rất quan trọng, có giá trị trúng thầu hơn 456 tỉ đồng. Đảm nhiệm gói thầu này là liên danh 2 công ty Trung Quốc: Tianjin Machinery and Equipment Import & Export (gọi tắt là Tianjin) và No 3 Company of the Second Navigational Engineering (No 3). Theo Ban quản lý dự án, liên danh này hầu như không có khả năng đảm bảo tiến độ, kể cả tiến độ mới đã được điều chỉnh (theo tiến độ trong hợp đồng, gói thầu này phải hoàn thành tháng 12.2006, còn tiến độ mới điều chỉnh là tháng 12.2008).

Thế nhưng, thay vì chọn nhà thầu khác đủ năng lực, UBND TP.HCM đã thống nhất với đề nghị của Ban quản lý dự án chấp nhận tách một phần công việc của gói thầu số 7 (gồm thiết bị tách dòng, cống đào hở, hố ga; giá trị 38,7 tỉ đồng) thành một gói thầu độc lập (gói 7A) để đấu thầu lại. Ngày 19.11.2007, UBND TP.HCM đã chính thức phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu 7A với giá trị lên đến 124,48 tỉ đồng, vượt hơn 3 lần so với giá gói thầu. Quyết định bổ sung thêm gói thầu 7A đã nâng dự án này lên tổng cộng 24 gói thầu.

Chọn "nhầm" nhà thầu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) từ ngày 15.1 - 17.1.2008 đã vào TP.HCM làm việc với Ban quản lý dự án, Sở KH-ĐT, Sở GTCC, tư vấn CDM (Mỹ, thiết kế, giám sát thi công các gói thầu), nhà thầu, để nghiên cứu tình hình thực hiện dự án.

Ban quản lý dự án cho biết gói thầu số 7 thực hiện rất chậm chủ yếu do năng lực của nhà thầu. Nhà thầu đã không chuẩn bị đầy đủ thiết bị thi công (kích ống), thiếu kinh phí do công ty mẹ tại Trung Quốc không chuyển tiền sang để đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng. Nếu để nhà thầu Tianjin - No 3 tiếp tục thực hiện hợp đồng thì thời gian kết thúc gói thầu số 7 có thể kéo dài tới tận năm 2011.

Liên quan đến năng lực của 2 nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu số 7, ngay từ khi thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (văn bản 623 BKH/VPXT ngày 28.1.2003), Bộ KH - ĐT đã đưa ra các cảnh báo. Trong đó, có vấn đề năng lực của nhà thầu (tính hợp lệ và khả thi của thành viên trong liên danh được đề nghị trúng thầu, cụ thể Công ty No 3 là thành viên trong liên danh chịu trách nhiệm chính về xây dựng nhưng không được phép hoạt động ở nước ngoài nên có thể ảnh hưởng đến dự án).

Bộ KH-ĐT đã đề nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM làm rõ tính hợp lệ và khả thi của liên danh Tianjin - No 3, và chịu trách nhiệm phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 7. Tuy nhiên, liên danh này cuối cùng vẫn trúng gói thầu số 7.

Theo Bộ KH-ĐT, quyết định rút bớt phần công việc nhà thầu phải làm đối với gói thầu số 7 thành một gói thầu riêng để đấu thầu lại (với giá tăng hơn gấp 3 lần) sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 21.2.2008, Bộ KH-ĐT đã đề nghị UBND TP.HCM rút kinh nghiệm về các tồn tại của gói thầu số 7 và có biện pháp khắc phục để không lặp lại trường hợp tương tự đối với các gói thầu khác.

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có tổng mức đầu tư 199,96 triệu USD (vay của Ngân hàng Thế giới 166,34 triệu USD, vốn đối ứng 33,62 triệu USD) với 23 gói thầu (nay đã tăng lên 24) do Sở Giao thông - Công chính TP.HCM làm chủ đầu tư, thực hiện từ 2001 - 2007.

UBND TP.HCM "cầu cứu" Bộ GTVT

Trước tình hình nhiều gói thầu của dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thi công với tiến độ quá chậm, ngày 2.4.2008, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng quan tâm, chỉ đạo các công ty và tổng công ty có liên quan tập trung thực hiện hết trách nhiệm của mình, theo đúng các điều khoản trong hợp đồng và các cam kết với WB để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết TP.HCM đã đàm phán với WB để gia hạn hiệp định tín dụng đến ngày 31.12.2009. Về nguyên tắc, ngày 15.11.2007, WB đã chấp nhận đề nghị của TP nhưng kèm điều kiện phải cải thiện được tình hình thực hiện các gói thầu trong dự án. Trên cơ sở cam kết của từng nhà thầu, WB yêu cầu đến ngày 31.5.2008 các chỉ tiêu về giải ngân và khối lượng xây dựng từng gói thầu phải đạt được như cam kết thì hiệp định mới có hiệu lực gia hạn.

UBND TP.HCM cho rằng một số nhà thầu trong nước (thuộc Bộ Xây dựng và Bộ GTVT) vẫn thi công không đạt yêu cầu tiến độ. Bao gồm: Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (Bộ Xây dựng), Công ty đầu tư và xây dựng cấp thoát nước - WASECO (Bộ Xây dựng), Công ty cổ phần phát triển kỹ thuật xây dựng (thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội - Bộ Xây dựng), liên danh Công ty cổ phần Tàu Cuốc (DRECO) và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) thuộc Bộ GTVT, Tổng công ty xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Bộ Xây dựng).

Việc không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án do một số nhà thầu thi công chậm trễ, không đáp ứng các điều kiện đã cam kết sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của WB về ký kết gia hạn hiệu lực hiệp định tín dụng của dự án và có khả năng bị cắt nguồn vốn ODA còn lại của Ngân hàng Thế giới trong Hiệp định của dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè).


Theo Thanh Niên