Nguồn vốn từ đâu?

Cập nhật 16/03/2011 14:10

Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến từ 1-2% tổng tiền lương hàng tháng của công nhân hay người lao động.

Theo tính toán của cơ quan chuyên ngành xây dựng, giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, chương trình xây dựng nhà ở xã hội cần đầu tư để thực hiện khoảng 600,000 căn hộ, tương đương khoảng 30 triệu m2 sàn với tổng vốn đấu tư sẽ lên tới 180,000 tỷ đồng và cũng cần đầu tư xây dựng khoảng 500,000 căn hộ, tương đương 24 triệu m2 sàn để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 70% công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) của cả nước với tổng vốn đầu tư phải cần tới khoảng 144,000 tỷ đồng.

Do đó, xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các đô thị, nhà ở cho công nhân và người lao động tại các KCN, KCX đã được cơ quan chuyên ngành, các nhà quản lý cùng các cơ quan chức năng tính đến nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia.

Nhu cầu nhà giá rẻ vẫn rất cao

Khó khăn về vốn của các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp tại các đô thị, nhà ở cho công nhân và người lao động tại các KCN, KCX đã được đề cập đến nhiều nhưng khó khăn về thu nhập của người lao động để mua được căn nhà giá phù hợp (giá rẻ) là bài toán đang cần lời giải đáp.

Vay Ngân hàng thương mại thì không thể vì yêu cầu đưa ra là phải có mức thu nhập tương đối cao. Do đó, với mức thu nhập thấp thực tế của người lao động ở các đô thị, công nhân tại KCN, KCX nếu không có sự hỗ trợ từ Quỹ tiết kiệm nhà ở thì ước mơ được sở hữu một căn nhà đối với họ mãi mãi vẫn chỉ là “giấc mơ” mà thôi!

Trong điều kiện thực tiễn như vậy, Quỹ tiết kiệm nhà ở có mục tiêu cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp, đồng thời Quỹ này cũng sẽ dành một tỷ lệ nhất định ưu tiên cho các DN xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả cung lẫn cầu về nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các đô thị, nhà ở cho công nhân, người lao động tại KCN, KCX.

Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến từ 1-2% tổng tiền lương hàng tháng của công nhân hay người lao động. Những người nghỉ hưu sẽ được rút về cộng với lãi suất mang tính hỗ trợ trượt giá. Số tiền này sẽ giúp cho người có thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 20-25% so với vay của Ngân hàng thương mại.

Giải pháp này đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình, có kiến còn lo ngại nhưng thực tiễn đã cho thấy, bài học thành công trong việc xây dựng và vận hành Quỹ tiết kiệm nhà ở ngay ở các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho việc xây dựng các DA nhà ở xã hội cả bên cung lẫn bên cầu rất hiệu quả.

Nhiều quốc gia quy định ở mức thấp từ 3% đến 5%, cũng có không ít quốc gia quy định ở mức cao là từ 10 đến 15% tiền lương hàng tháng và Quỹ tiết kiệm này được dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người mua nhà hoặc thuê nhà ở vay ưu đãi. Người gửi tiền sau 10-15 năm sẽ được mua nhà ở xã hội bằng tiền gửi tiết kiệm từ Quỹ này.

Nếu những người gửi không có nhu cầu mua nhà ở thì đến thời điểm nghỉ hưu sẽ được trả cả gốc lẫn lãi. Cũng theo tính toán ngành xây dựng, nếu duy trì theo hình thức như bảo hiểm xã hội thì có khoảng 9 triệu người tham gia Quỹ tiết kiệm nhà ở và hàng năm sẽ dành dược khoảng 10,000 tỷ đồng đầu tư cho việc cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp và người lao động có nhu cầu.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ giải quyết được vấn đề vốn dài hạn trên cơ sở lấy số đông giúp số ít và xã hội hóa công tác phát triển nhà ở cùng với việc thu hút mọi đối tượng xã hội tham gia hỗ trợ người thu nhập thấp, người lao động thực sự có điều kiện mua nhà ở.

Tóm lại, vấn đề quyết định và quan trọng để Quỹ tiết kiệm này hoạt động hiệu quả, minh bạch, lành mạnh, phát huy đúng mục đích thì Nhà nước cần ban hành cơ chế rõ ràng, đầy đủ nhằm tạo hành lang pháp lý cần thiết để Quỹ tiết kiệm phát huy tác dụng thiết thực và hiệu quả nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo PL&XH