Năm 2015, thị trường căn hộ cao cấp Hà Nội khởi sắc khi cả nguồn cung, thanh khoản và giá bán đều tăng. Trong tương lai, thị trường căn hộ cao cấp Hà Nội được dự đoán sẽ tiếp tục “thăng hoa”, dù nguồn cung lớn sẽ tiếp tục tung ra thị trường.
Các dự án cao cấp tại Hà Nội như Vinhomes Times City có thanh khoản rất tốt và hiện không còn nhiều hàng. Ảnh: Đức Thanh
|
Nguồn cung lớn
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, nguồn cung căn hộ cao cấp trên thị trường thời gian qua tăng nhanh. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ căn hộ cao cấp chỉ chiếm 18% tổng nguồn cung, đã tăng lên 24% trong năm 2014 và sang năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên 37%. Tỷ lệ căn hộ cao cấp tăng nhanh cho thấy, doanh nghiệp địa ốc thời gian qua tập trung phát triển mạnh các dự án thuộc phân khúc này.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, số lượng các dự án có quy mô trên dưới 1.000 căn hộ cao cấp tại Hà Nội hiện nay rất lớn. Rất nhiều dự án trong số đó đã công bố bán hàng trong năm 2015 và đầu năm 2016, nhưng đến nay, vẫn đang tiếp tục triển khai bán hàng.
Theo thống kê sơ bộ của Đầu tư Bất động sản, thị trường bất động sản Hà Nội hiện còn khoảng trên dưới 10.000 căn hộ cao cấp đủ điều kiện bán hàng. Đa số nguồn cung căn hộ cao cấp tập trung ở các quận như Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Đặc biệt, một số lượng căn hộ không nhỏ tại Dự án Usilk City (quận Hà Đông) mới được Hải Phát mua lại của Sông Đà Thăng Long, đã đủ điều kiện mở bán, nhưng doanh nghiệp chưa chính thức mở bán.
Trong khi phân khúc căn hộ cao cấp còn lượng hàng lớn chưa bán, thì thị trường dự báo sẽ tiếp tục đón nhận nguồn cung lớn trong tương lai, từ các dự án như Vinhomes Liễu Giai, Vinhomes Mỹ Đình, giai đoạn 2 Dự án Mon City Mỹ Đình, Dự án 97-99 Láng Hạ…
Đặc biệt mới đây, Hà Nội kêu gọi cải tạo 10 khu tập thể cũ trong nội đô, với tổng quy mô quỹ đất lên đến trên 260 ha. Nếu thực hiện, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung căn hộ cao cấp cực lớn.
Trên thực tế, dù việc cải tạo 10 khu nhà tập thể cũ không thể tiến hành đồng thời và sẽ gặp khó khăn, nhưng các khu đất tại các nhà tập thể cũ đều nằm ở vị trí đắc địa ở nội đô, nên rất được thị trường chờ đợi. Trong khi đó, Hà Nội vừa ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nôi đô, đã cho phép chiều cao tối đa 25 tầng. Vì thế, chỉ cần một phần các dự án trên được tiến hành cải tạo, thị trường sẽ đón nhận thêm hàng nghìn căn hộ cao cấp.
Thanh khoản vẫn tăng cao
Theo số liệu thống kê của CBRE, năm 2015, thanh khoản của thị trường căn hộ cao cấp đạt mức kỷ lục, vượt xa kỷ lục đỉnh cơn sốt nhà đất năm 2009 và những năm trước đó.
Cụ thể, năm 2009, lượng căn hộ cao cấp được giao dịch thành công đạt khoảng 6.300 căn, nhưng năm 2015, lượng căn hộ cao cấp được giao dịch là 20.600 căn, cao gấp 3 lần năm 2014 và gần bằng toàn bộ lượng căn hộ giao dịch tại thị trường Hà Nội trong năm 2015.
Sang năm 2016, mặc dù thị trường chững lại những tháng đầu năm, nhưng số lượng thanh khoản phân khúc này vẫn ở mức cao, với khoảng 18.000 căn.
Còn theo Savills, trong năm 2015, thị trường Hà Nội có khoảng 30.000 căn hộ được chào bán, trong đó, khoảng 23.300 căn hộ đã được giao dịch. Trong đó, tỷ lệ căn hộ cao cấp chào bán chiếm 36% nguồn cung, trên 10.000 căn hộ.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, các dự án chung cư cao cấp có nguồn cung lớn, lên đến vài nghìn căn hộ như Vinhomes Times City, Goldmark City không còn nhiều hàng, bởi phần lớn căn hộ tại các dự án này đã được khách đặt mua.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP.INVEST) cho biết, các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất trong nội đô sẽ luôn ưu tiên phát triển sản phẩm bất động sản cao cấp. Trong khi với người có nhu cầu mua nhà, tâm lý sở hữu căn hộ cao cấp trong khu nội đô từ trước đến nay vẫn luôn là ưu tiên số 1.
Cũng theo ông Hiệp, hiện thị trường căn hộ cao cấp đang chững lại, nhưng nguồn cung lớn, cùng nhu cầu gia tăng, thì sự chững lại này chỉ là tạm thời. Thị trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản