Thị trường căn hộ đang có dấu hiệu khởi sắc là điều không phải bàn cãi, nhưng những thông tin dày đặc về việc mở bán hay đặt mua, giữ chỗ của nhiều dự án lại phần nào gây ra những hiệu ứng ngược. Thay vì quyết định xuống tiền, nhiều khách hàng cho biết, họ đang dừng ở mức “tham khảo”, chờ đợi, nghe ngóng thêm.
Mua nhà là việc lớn trong đời nên người mua rất thận trọng - Ảnh: Lê Toàn
|
Ngay những con số công bố của các tổ chức tư vấn cũng có vấn đề. Đơn cử như tại TP. HCM, số liệu về lượng căn hộ chào bán trong quý II/2015 của CBRE, Savills và Cushman & Wakefield khá giống nhau, nhưng số liệu về căn hộ bán được thì “mỗi người một nẻo”, thậm chí còn sai biệt quá lớn.
Chẳng hạn, CBRE là 10.000 căn hộ được bán, Savills là 5.000 căn hộ và Cushman & Wakefield là 6.000 căn hộ. Với những con số này, người mua không thể không nghĩ thị trường đang bị “loạn thông tin”. Tâm lý đề phòng khiến thị trường căn hộ có dấu hiệu chững lại.
Dạo một vòng quanh các sàn giao dịch, trung tâm môi giới tại TP. HCM thì những thông tin “bán chạy, bán hết, sắp hết hàng, chỉ còn 10 căn cuối cùng…” luôn được các sàn đưa ra. Tuy nhiên, với cùng 1 dự án khi hỏi đến cả chục nhân viên tư vấn thì cho 10 kết quả khác nhau về số lượng căn hộ còn lại.
Thêm một điểm nữa là cách đây vài tháng, chủ đầu tư chi khá “mạnh tay” cho truyền thông còn lúc này gần như khá yên ắng, ngoại trừ số ít dự án sắp bán hết hàng.
Anh Đỉnh, người đang tìm mua căn hộ tại Quận Tân Phú cho biết: “Mua một căn hộ là tài sản rất lớn nên cần suy đi tính lại, tránh việc đổ xô theo thị trường. Hôm trước, tôi định đặt mua căn hộ tại Dự án IDICO Tân Phú, giá khoảng 18 triệu đồng/m2 nhưng giờ mới đang xây dựng, nhanh thì 2 năm nữa mới nhận nhà. Tôi đã chọn mua lại căn hộ Lotus Garden gần Đầm Sen với mức giá 18,2 triệu đồng/m2 cho căn hộ 53 m2. Cho thuê ngay cũng được 5 triệu đồng/tháng. Các dự án đang xây đóng tiền theo tiến độ nhưng trong 6 tháng đã đóng đến 70%, số tiền này vô tình bị chiếm dụng trong 1 năm rưỡi thì thà vay thêm ngân hàng 30% nữa mua nhà ngay. Tính ra mua nhà có sẵn vẫn lời hơn”.
Nhận thấy thị trường bất động sản đang ấm lên, nhiều chủ đầu tư và cả dân đầu cơ cũng tranh thủ đẩy hàng ra. Chính vì thế, không có chuyện giá tăng đồng loạt như nhiều thông tin gần đây.
Dũng, một cò đất Quận Tân Phú cho biết: “Người ta cứ nói tăng giá ở đâu, em làm môi giới nhà đất cả 10 năm nay, giờ có bán dễ hơn, nhưng giá thì không có chuyện tăng. Người mua không đủ tiền, còn phải làm luôn thủ tục vay ngân hàng hỗ trợ họ. Môi giới ở mấy dự án đang xây đấu sao lại tụi em, nhà thì thấy đó, tiền thì thêm bớt tùy khách và chủ nhà, như thế bán còn không nổi…”.
Còn Tiến - cò nhà đất khu vực Tân Bình, Gò Vấp thì vui ra mặt: “Đoạn đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám mấy tháng nay ngày nào cũng kẹt cứng, tụi em chờ ở ngoài đợi khách vào sàn mấy dự án đang xây rồi hốt luôn. Giới thiệu cho họ chỗ khác không bị kẹt xe, bán tốt”.
Ghi nhận của Đầu tư Bất động sản cho thấy, do có rất nhiều sản phẩm tương đương nhau để lựa chọn, khách mua hiện rất để ý đến vấn đề giao thông cho các dự án, đặc biệt là vấn đề ùn tắc cục bộ. Cho dù nhiều dự án có vị trí đẹp, giá hấp dẫn, thanh toán hợp lý nhưng nếu khách đi thăm đúng vào lúc kẹt xe thì coi như mất cơ hội.
Thông tin nhiều dự án ở Hà Nội và TP. HCM nợ thuế cũng là vấn đề khiến khách hàng “lăn tăn” khi xuống tiền ở các dự án đang xây dựng. Việc nợ thuế không chỉ các dự án đang dở dang mà có cả dự án đã bán xong, đã thu hết tiền khách hàng, vấn đề tấm sổ hồng lại phụ thuộc vào chủ đầu tư nộp đủ thuế.
Thế nên, một số khách hàng thận trọng: “Nhận nhà chưa phải chắc mà phải hỏi xem có làm ngay được sổ không đã”. Nhưng nhận sổ cũng chưa phải là chắc nếu chủ đầu tư bán xong dự án và rút khỏi thị trường, vấn đề quản lý căn hộ liên quan đến phí bảo trì 2%, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm khi chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”? Trong khi Luật quy định, “thời hạn bảo hành công trình là 5 năm”.
Nguồn cung dồi dào, thông tin khá nhiễu khiến người mua tại TP. HCM thận trọng hơn với các dự án chung cư, cho dù Luật mới có nhiều điều khoản bảo vệ người tiêu dùng và ngân hàng cũng đã vào cuộc bảo lãnh các dự án bất động sản.
“Nhu cầu người mua còn nhiều nhưng có kiếm được tiền mua nhà hay không, nếu vay ngân hàng thì có trả nổi nợ hay không là vấn đề chính của khách hàng, chứ giá nhà cao thấp chỉ là một vấn đề. Nhà bán rẻ, giá thấp nhưng không có tiền lấy gì để mua?”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM bày tỏ quan điểm.
Theo ông Đực, một bộ phận rất lớn người mua đang tìm hiểu, chứ mua thì chưa thể chắc chắn. Nhiều chủ đầu tư cho phép đặt cọc, không mua trả tiền lại.
“Tiền cọc khoảng chục triệu đồng, nên lượng khách đặt cọc sẽ rất đông, nhưng bán được lại là chuyện khác”, ông Đực phân tích căn nguyên tạo nên con số giao dịch rất lớn trên thị trường thời gian qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản