Nguồn cung BĐS có thể bị ảnh hưởng

Cập nhật 14/05/2011 09:15

Không chỉ giao dịch trên thị trường BĐS chững lại, mà tiến độ các dự án cũng bị ảnh hưởng khi rất nhiều chủ đầu tư, các nhà thầu phải điều chỉnh giãn tiến độ các dự án, cố gắng cầm cự trong giai đoạn nguồn vốn hạn hẹp.


Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung BĐS cho thị trường. Đồng nghĩa với việc thời gian tới, nhiều khách hàng có thể sẽ không nhận được nhà đúng hẹn.

Giá nguyên vật liệu tăng cao đã khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng trở thành một trong ba nhóm có mức tăng mạnh nhất. Bên cạnh đó, yêu cầu giảm tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất thấp hơn 22% trước ngày 30/6 cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Giá tăng cao, vốn bị cắt giảm. Điều này có thể sẽ tác động nhất định đến nguồn cung BĐS ra thị trường thời gian tới khi mà thời điểm này, nhiều công trình đang phải cầm cự bằng cách hoãn hoặc giãn tiến độ.

Ông Phạm Ngọc Doanh, Công ty CP Xây dựng TM Hà Nội số 35 cho biết: “Chúng tôi nhận được hàng ngày nhiều báo giá nguyên vật liệu, mỗi ngày một giá. 1m2 xây dựng hiện tại đã tăng thêm 10-18%, xấp xỉ 4-5 triệu/m2. Hiện tại, chúng tôi đang thi công khoảng 10 dự án thì phải giải quyết bằng cách xây dựng cầm chừng, kéo giãn tiến độ để chờ Chính phủ có biện pháp gì mới”.

Không chỉ các dự án nhỏ hay các công trình đơn lẻ, ngay các dự án lớn cũng chịu “va đập” ít nhiều trước tình hình này.

Ông Ken.ng, Giám đốc Dự án Hanoi Garden City phát biểu: “Giá vật liệu xây dựng thực sự đang rất cao, điều này rất ảnh hưởng đến chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã tính tới chuyện này nên đã có một số biện pháp “cố gắng”…

Tuy nhiên không phải chủ đầu tư nào cũng có thể nói “cố gắng” mà vượt qua được khó khăn khi mà trong một thời gian ngắn, vật giá xây dựng tăng tới 15-18% như vậy.

Khi khó khăn về tiền, giải pháp sẽ là phải có nhiều tiền hơn. Nhưng tiếp cận với ngân hàng - nguồn tiền hợp pháp nhất thời điểm này là điều không dễ dàng, kể cả khi lãi suất cho vay có thể lên tới hơn 20% một năm.

Ông Phạm Ngọc Doanh, Công ty CP Xây dựng TM Hà Nội số 35: “Dù đã thế chấp bằng rất nhiều thứ như tài sản bảo đảm, uy tín doanh nghiệp, công trình chúng tôi đã thi công mà vẫn không vay được. Khoảng từ 1 tháng rưỡi đến hai tháng nay, hồ sơ vẫn nằm ở ngân hàng, không giải ngân được”.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN: “Đối với các dự án, các chủ đầu tư hầu hết đều phải giãn tiến độ, do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Thứ hai là lãi suất từ ngân hàng thương mại rất cao. Thực sự để đầu tư cho sản xuất thì với lãi suất như thế không ai làm ăn có lãi cả. Như vậy, điều chỉnh tiến độ là điều tất yếu”.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh hoãn và giãn tiến độ các dự án, sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung ra thị trường, khi một loạt các công trình không đạt tiến độ, đồng nghĩa với việc thời gian tới, nhiều người có thể sẽ không được nhận nhà đúng hẹn.

CPI tháng năm được kỳ vọng là sẽ tăng chậm lại. Giá cả vật liệu xây dựng như một số mặt hàng thép, xi măng mấy ngày gần đây đã cho thấy xu hướng giảm. Thì vẫn còn đó trở ngại lớn nhất là dòng vốn tiếp tục bị siết chặt khi tỷ trọng cho vay phi sản xuất tiếp tục phải hạ xuống mức 16% vào cuối năm như chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước. Vì vậy các chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, giải pháp vốn quan trọng cho thị trường bất động sản là luồng vốn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV