Người Việt kể chuyện sang Mỹ mua nhà

Cập nhật 08/08/2011 10:45

Mùa hè năm nay tôi được giao nhiệm vụ đi tìm mua nhà cho đứa con gái có chồng và đang định cư ở Mỹ. Ý định mua nhà của con gái tôi đã có từ mùa hè năm trước trong một bối cảnh nhà đất Mỹ đang rẻ dần, làm hành trình mua nhà như dài ra...

Thế nhưng lần này, nhu cầu có một căn nhà riêng của vợ chồng trẻ người Việt Nam đã trở nên cấp thiết, khi chúng đã có công ăn việc làm ổn định. Cái tổ ấm chỉ có hai phòng ngủ trở nên chật hẹp hơn khi phải đeo thêm thằng em trai đang du học và bố mẹ thường xuyên qua chơi. Với tôi, đây cũng là cơ hội để hiểu hơn về một khía cạnh của nước Mỹ mà nghề kiến trúc của tôi đang thôi thúc muốn biết.

Điều thuận lợi đầu tiên của chúng tôi là nước Mỹ đang ở trong cơn suy thoái về kinh tế, hàng loạt bi kịch xã hội xảy ra khiến cho bức tranh mua bán nhà đất trở nên rất ảm đạm. Số lượng người thất nghiệp kéo theo bao hệ luỵ như bị xiết nhà, bán nhà trả nợ, bán nhà lớn mua nhà nhỏ hơn v.v. khiến cho người bán thì nhiều mà người mua thì thưa thớt.

Phải có “realtor”

Khác hẳn ở Việt Nam, việc mua nhà ở Mỹ được một xã hội hỗ trợ tối đa từ hệ thống thông tin và dịch vụ. Ở Mỹ, nếu việc tìm nhà bán rao trên báo xem chừng không còn hợp thời trang nữa, ta có thể “sợt” trên mạng theo nhu cầu. Có thể tìm ở những trang web địa ốc, sau đó chỉ cần một cú điện thoại là có thể sắp một lịch hẹn với người môi giới (ở đây gọi là realtor) giúp ta đi xem nhà.

“Chúng tôi cần một căn nhà có ba phòng ngủ trở lên, với càng nhiều nhà vệ sinh càng tốt, có hàng xóm tốt, gần trường học, gần trung tâm mua bán v.v.” là yêu cầu chúng tôi thường đưa ra và chúng cũng hội tụ các tiêu chí chúng tôi muốn chọn giữa một thị trường mênh mông về giá cả và chủng loại nhà.

Con tôi ở một thành phố cách Minneapolis khoảng 30 phút lái xe, gọi là Savage, nên việc tìm một căn nhà ở gần trung tâm để đi làm là việc ưu tiên hàng đầu. Cho nên khi tìm được một căn ở Eden Prairie, chỉ cách mười phút lái xe là điều tuyệt vời. Tuy vậy, tìm cho ra một căn nhà đúng ý thật là gian nan.

Chúng tôi đã “hành xác” người realtor khi bắt đi xem hàng chục căn biệt thự. Căn nào cũng mới thoạt đầu rất đẹp nhưng cái thì phòng ngủ master có cái vệ sinh bé, cái thì không có walk in closet (tủ áo bước vào được) như ý nguyện, cái thì phòng ngủ nằm trên garage sẽ rất ồn khi garage mở cửa, cái thì không có back yard v.v. ôi thì vô vàn những yếu tố kỳ vọng được đưa vào. Thế là cuộc “du hành” giữa chúng tôi và nhân vật realtor kéo dài bất tận như chiếc lồng đèn kéo quân.

Ở nước Mỹ này, việc sử dụng “realtor” hay nói theo tiếng Việt là nhà môi giới, là một cách làm bắt buộc để đưa việc mua bán bất động sản trở thành một hoạt động hợp pháp, đúng luật, tránh được nhiều sai sót cũng như những mâu thuẫn đáng tiếc trong chuyện mua bán. Nói nôm na là người mua và người bán sẽ không bao giờ gặp nhau trước khi ngôi nhà được trao tay. Công ty buôn bán nhà có rất nhiều người realtor để giúp dẫn khách đi đến những căn nhà mà người ta muốn tìm. Để có thể bắt đầu dịch vụ, realtor sẽ yêu cầu người mua ký hàng loạt các loại giấy tờ ràng buộc trách nhiệm để từ đó, dịch vụ sẽ chỉ qua tay một người này. Quả thật, họ là những người kiên nhẫn số một thế giới khi sẵn sàng đưa ta đi hàng chục căn nhà mà không một lời thở than. Họ sẽ phải liên lạc với người chủ ngôi nhà hiện đang còn ở nhưng muốn bán để sắp xếp cho mình đến xem. Lúc đó chủ nhà sẽ kéo nhau đi chỗ khác trong vòng vài giờ để cho người mua tha hồ ngắm nghía, tìm hiểu.

Ở đây, phải hiểu là “realtor” là người giúp người đi mua nhà theo giá tốt nhất và đạo đức nghề nghiệp của họ là như thế. Về nguyên tắc không có chuyện ăn hai đầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy không ít bi kịch khi xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa những mối quan hệ này.

Đi xem nhà

Đi theo sự sốt sắng của bà mối, chúng tôi lúc lái xe chạy theo, lúc nhảy lên xe của bà để đi cho tiện, mới thấy hết bức tranh nhà cửa ở vùng này. Có những căn nhà ở vị trí tốt mà giá... bèo thì đa phần là nhà “foreclosured” (nhà bị ngân hàng siết) tuy nhiên hiện trạng thường bị phá không nguyên vẹn..

Lý tưởng nhất là đến những căn nhà chủ nhà vẫn còn đang ở, có nhu cầu bán để mua nhà khác to hơn hoặc nhỏ hơn. Phải nói, chúng tôi thán phục hầu hết chủ nhân của các căn nhà chúng tôi đến về việc họ chăm sóc ngôi nhà. Dù họ làm nghề gì, tuổi tác ra sao thì không gian sống của họ đã nói lên một nền văn hoá đồng đều ở hầu hết tầng lớp có nhà loại này. Những phòng salon bài trí trang nhã, những khu vườn trồng hoa, hoặc một căn hầm với một không gian “home theater” (rạp hát tại nhà) ấm cúng cùng những giàn loa và vách tường hút âm, những quầy bar và một khu bếp ấm áp.

Tâm trạng chúng tôi, những người đi mua nhà thay đổi lúc lên lúc xuống tuỳ theo hoàn cảnh của từng ngôi nhà và chủ nhân của nó. Khi biết được chủ nhân buộc phải bán nhanh ngôi nhà (short sale) thì chúng tôi hiểu ngôi nhà này đang sống trong tâm trạng u ám, cho nên dù giá rất rẻ, chúng tôi cũng cảm thấy không an tâm lắm. Nhưng khi đến một ngôi nhà với những sân vườn cảnh quan hấp dẫn, thì một viễn cảnh sống động của một sinh hoạt gia đình lại hiện ra trước mắt mình đem đến một tâm trạng phấn khích. Cứ như thế, hết nhà này đến nhà khác cuốn hút chúng tôi đi hoài không biết mệt.

Đi nhiều, tôi có thể nói ngay năm xây dựng của ngôi nhà căn cứ theo từng cách sử dụng vật liệu. Xem ra, dường như tôi đã nghĩ đúng khi có những khu được xây hàng loạt trong một thời gian ngắn nào đó của một thời. Bởi những nhà đầu tư sử dụng cùng một kiểu thiết kế, và sử dụng một loạt vật liệu vào thời này. Điều hấp dẫn nhất đối với một người làm nghề như tôi là được cầm tờ giấy “kiểm tra tình trạng ngôi nhà” (Home inspection) để xem sự đánh giá của các cơ quan địa phương kiểm tra trước khi giao nhà hoặc mua bán nhà. Ở đây ta có thể xem được phần nào mới sửa, phần nào chưa tốt, mái nhà được lợp lại năm nào, hệ thống nước điện tình trạng ra sao...

Nhà ở Minnesota có một đặc điểm là có hầm. Nghe nói nguyên nhân là vùng này hay có lốc xoáy, việc làm hầm trú ẩn là nhằm cho mục đích này. Nhưng dường như, căn hầm lại là nơi sinh hoạt gia đình ấm cúng đối với cư dân vùng này. Hầm nhiệt độ bao giờ cũng thấp hơn ở trên tầng trên, nhưng đa số họ bố trí không gian sinh hoạt bên dưới. Hầm là nơi chứa hệ thống bơm, điện lạnh, sưởi, và giặt, cũng là nơi dành cho chủ nhân xây dựng cho mình một không gian riêng biệt để làm việc văn phòng hay kho xưởng cho những công việc tẳn mẳn của mình.

Riêng chúng tôi đi tìm những căn nhà có hầm nhưng phải “walk out” được, nghĩa là phải bước ra ngoài được vì đa phần những loại hầm như vậy sẽ nằm ở triền đồi và liên thông với những sân vườn tuyệt đẹp. Nói về luật nhà ở, phòng ngủ dưới hầm không phải ra sao cũng được mà phải chịu một quy định là phải có cửa trèo ra được vì lý do an toàn. Nếu không thoả điều kiện này, việc công nhận số phòng ngủ trong mua bán sẽ không hợp pháp.

Rất nhiều căn nhà có cảnh quan thật hấp dẫn.

Những hệ luỵ đi kèm

Hầu hết những người mua nhà ở Mỹ đều mua trả góp. Thời gian trả góp trên lý thuyết khoảng 30 năm hoặc ít hơn tuỳ điều kiện. Do thu nhập không cao, cặp vợ chồng con tôi đã phải sử dụng hết mọi lợi thế có được như, công ăn việc làm ổn định, credit tốt trong ngân hàng (không tì vết trong tín dụng) để có thể được chấp nhận vay với lãi suất thấp. Cuộc chờ đợi kéo dài hàng tháng trời để được ngân hàng chấp thuận, như một tiền đề để có thể bước vào chuyện mua nhà.

Thường thì phải đặt cọc một tỷ lệ xấp xỉ 20% để phần còn lại sẽ trả dần từng tháng theo lương. Đây cũng là lý do tại sao người Mỹ rất sợ mất việc, bởi vì mất việc sẽ kéo theo chuyện mất nhà.

Bìa tạp chí Kiến trúc & Đời sống số cải tiến, tháng 8.2011.

Đối với người bỏ tiền mặt ra 100% để mua nhà, thì khó khăn phải xử lý là những thứ chi phí cố định phải được trả cho ngôi nhà. Đó là tiền thuế nhà. Căn nhà chúng tôi đi tìm có giá trong khoảng 300.000 đôla sẽ thường có thuế phải đóng khoảng 3.000 – 4.000 đôla một năm. Nghĩa là hàng tháng phải trả khoảng 350 đôla “hụi chết”.

Chưa hết, nước Mỹ có chung một “model” nhà, là chung quanh nhà toàn thảm cỏ, do vậy phải đóng tiền hàng tháng phí cắt cỏ, tưới cỏ, đổ rác và những khoản chi phí khác tuỳ vùng.

Như vậy, để trả lời cho những câu hỏi đại loại như mang tiền ở Việt Nam qua mua nhà ở Mỹ có... lời không thì phải tính được tiền thuế năm và tiền đóng phí hàng tháng cho ngôi nhà như trên, thì mới biết được. Đối với những người thu nhập không cao như vợ chồng con gái tôi thì điều này chẳng khác nào thuê nhà.

Nói tóm lại, trong một thời gian ngắn đi xem nhà, chúng tôi đã nghiệm ra nhiều điều thú vị trong đời sống, sinh hoạt xã hội và những quy định của luật pháp, nhằm bảo vệ môi trường sống cũng như môi trường mua bán bất động sản ở Mỹ. Nó ăn khớp với cuộc sống của người dân Mỹ, nó vừa bảo vệ vừa ràng buộc con người, biến con người sống trong đó và những điều kiện sống trở thành một bộ phận không thể tách rời nhau. Mọi thứ đều có cái giá phải trả cho nó một cách tương xứng.

Cũng như bao người Việt khác, nhìn sang nước Mỹ, so sánh với những tiềm năng kinh doanh bất động sản ở Việt Nam như một sự kích thích trí tưởng tượng cho một cơ hội tốt. Khi hiểu ra thì thấy có vài chữ “nhưng”...

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị