Người vay gói 30.000 tỉ phải chịu lãi suất thương mại?

Cập nhật 08/07/2016 10:56

Chính phủ hôm 31-3 đã quyết định tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỉ đồng sau ngày 1-6 cho đến khi giải ngân hết, tuy nhiên hơn ba tháng qua hướng giải quyết gói này vẫn là dấu hỏi đối với ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng.

Nhiều khách hàng băn khoăn về việc áp mức lãi suất sau ngày 31-3.

Chị Hương (quận Tân Bình, TP.HCM) vay 500 triệu đồng. Hợp đồng của chị được ký kết vào đầu tháng 1-2016, thuộc diện được hưởng lãi suất ưu đãi 5%. Theo tiến độ, đến khi tòa nhà hoàn thiện phần thô, chị sẽ giải ngân lần ba. Tuy nhiên, khi gặp nhân viên ngân hàng thì chị được biết ngân hàng chưa nhận được chỉ đạo mới nào, nếu chị có nhu cầu giải ngân thì ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa chị Hương sẽ không còn được vay lãi suất 5%/năm nữa mà phải chịu mức lãi suất cao hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, xác nhận cuối tháng 5, NHNN đã gửi văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc vẫn áp dụng lãi suất ưu đãi 5%/năm đối với những hợp đồng đã ký từ ngày 31-3 trở về trước chưa giải ngân hết, thời gian giải ngân là tới cuối tháng 12-2016. Hiện NHNN vẫn đang chờ câu trả lời của Thủ tướng. “Trong thời gian này, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục thực hiện giải ngân cho những hợp đồng vay vốn đã ký kết trước ngày 31-3 nhưng lãi suất áp dụng theo hình thức thỏa thuận, đến khi nào Thủ tướng trả lời thì NHNN sẽ có hướng dẫn thêm”.

Được biết phía các ngân hàng trong chương trình gói 30.000 tỉ đồng cũng “khó ăn nói” với khách hàng. Về giải pháp trước mắt, bà Hồ Lê Thu Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn, cho hay trong thời gian từ ngày 31-3 đến 30-5 lãi suất vẫn là 5%/năm. Những hợp đồng đã ký trước thời điểm ngày 31-3 và chưa giải ngân hết nếu bây giờ phát sinh khoản giải ngân mới từ ngày 1-6 thì mới áp dụng lãi suất tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 2% (lãi suất trả sau kỳ hạn 12 tháng của BIDV là 6,9%/năm, cộng thêm 2%/năm, tức là khách hàng chịu lãi suất 8,9%/năm). Một số ngân hàng khác cũng dùng phương án tạm thời. Theo đó, Vietcombank thực hiện tương tự BIDV, VietinBank thì áp dụng lãi suất cố định năm đầu là 7,9%...


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP