Người và đất "nóng" cùng đề án mở rộng thủ đô

Cập nhật 20/03/2008 15:00

Vài tháng nay, người dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã quen với hình ảnh những chiếc xe hơi sang trọng biển Hà Nội ngược xuôi về đây hỏi mua nhà, đất. Hai chữ "Hà Nội" xuất hiện trong hầu hết câu chuyện thường ngày của người dân.

Dọc con đường nhựa chạy qua 4 xã nằm trong đề án mở rộng địa giới thủ đô của huyện Lương Sơn treo đầy các biển bán đất, thông tin nhà đất. Chốc chốc lại có một chiếc ôtô phóng vụt đến rồi dừng lại, người trong xe chỉ trỏ vào các khu đất trống bàn tán xì xào.

Theo anh Nguyễn Văn Huân (xã Yên Bình) giá đất khá mềm ở các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn đang kéo hàng chục nhà đầu tư về đây mỗi ngày. "Đất ở đây được tính theo sào, ha hoặc số mét dài mặt đường chứ không ai tính m2 vì rộng quá", anh Huân cho biết.

Anh Hồng Sơn, một chủ đất ở Hà Nội, mua 4 lô đất ở xã Yên Bình từ năm 2003. Lúc đó anh chỉ mất một tỷ đồng cho lô đất chạy dài hơn 50 m mặt đường liên xã. Sau 5 năm, đây đã trở thành một mảnh đất "vàng" với giá cao gấp 5 lần.

Cách đó không xa, tại xã Đông Xuân, nơi nổi tiếng vì hàng loạt khu biệt thự, nhà vườn "bỏ hoang" vì các chủ đất xây nhà, khoanh hàng rào rồi... để đó, chỉ thỉnh thỉnh thoảng mới về thăm dịp lễ, cuối tuần. Tại một mảnh đất đẹp cạnh hồ Cửa Khau, nhiều năm nay đã mọc lên một dinh cơ bề thế rộng tới 3.000m2, chạy dọc hơn 100 m mặt đường nhựa. Đằng sau hàng rào cao 3m dựng bằng đá cuội là hàng chục cây cổ thụ được chăm bẵm cẩn thận.

Anh Nguyễn Văn Bảy, người được thuê trông nom cơ ngơi này cho biết, ông Hoan, chủ mảnh đất, chỉ tốn có 180 triệu đồng. Sau gần chục năm, nhiều người tới trả giá 14-15 tỷ đồng mà ông Hoan vẫn chưa đồng ý bán. Đối diện khu này, hai chủ đất khác cũng đang quây hàng rào, mời gọi các nhà đầu tư bất động sản.

Tại xã Yên Trung, địa phương xa nhất theo đề án được cắt về Hà Nội của tỉnh Hòa Bình, thông tin về tuyến đường Láng - Hòa Lạc kéo dài sắp sửa chạy qua càng làm cho người dân nơi đây bàn tán sôi nổi chuyện đất cát. Hàng chục quả đồi trồng sắn hoặc cây keo đang được rao bán.

Anh Nguyễn Văn Đậu vừa bán 2 ha với giá 150 triệu đồng hồ hởi nói: "Tôi còn 3 ha nữa cũng đang rao bán, nhưng bây giờ thì phải phát giá cao hơn. Mới năm trước, một ha đất đồi chỉ 20-30 triệu đồng".



Một khu đất đẹp ở xã Đông Xuân được xây hàng rào,
làm cổng như một tòa thành cổ.


Tại thị trấn Lương Sơn và dọc quốc lộ 21 (nơi giáp ranh 2 tỉnh Hà Tây, Hòa Bình), giá đất cũng đang đứng ở mức cao. Hàng chục mảnh đất rộng rãi, vuông vắn được phân lô, quây hàng rào mọc lên san sát dọc đường mời gọi các nhà đầu tư. Theo người dân nơi đây, nếu Hà Tây thành Hà Nội thì họ chỉ cần "bước một bước là đến thủ đô" thay vì phải đi 30-40 km như bây giờ.

Giá đất mặt đường quốc lộ 6 chạy qua thị trấn Lương Sơn đang có giá từ 130-150 triệu đồng một mét dài (chiều sâu khoảng 30m), những vị trí giao cắt với các đường nhánh giá còn cao hơn nhiều. Chị Hoài, nhà đối diện khu công nghiệp Lương Sơn, cho biết, so với cách đây 5 năm, giá đất khu vực này đã tăng ít nhất 10 lần. Nhiều người có đất cũng đang giữ, chờ giá đất lên thêm.

Trao đổi với Báo giới, ông Bùi Văn Dậu, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện các giao dịch đất đai tăng đáng kể. Đặc biệt, tại xã Yên Trung, nhiều nhà đầu tư chọn mua hàng ha đất đồi để đón đầu tuyến đường Láng - Hòa Lạc kéo dài.

Tuy nhiên, theo ông Dậu, người mua nên thận trọng khi mua đất ở xã này. "Nếu tuyến đường Láng - Hòa Lạc chạy qua diện tích là đồi, núi thì tiền nhà đầu tư bỏ vào đây coi như mất trắng", ông Dậu nói.

Theo VnExpress